Nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cháy cao
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tại TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra gần 10 vụ cháy nhà ở, kho xưởng… khiến nhiều tài sản bị thiệt hại và gây tâm lý lo lắng cho người dân. Theo đó, vào ngày 28/12, lực lượng PCCC đã phải khó khăn để khống chế một vụ cháy lớn trong phim trường tại huyện Nhà Bè. Dù không thiệt hại về người nhưng đám cháy đã khiến phim trường này phải ngưng hoạt động do các đạo cụ, cảnh quan… bị "bà hỏa" thiêu rụi.
Trước đó, một cửa hàng đồ gia dụng đã xảy ra cháy khiến 5 người bị bỏng, nhiều tài sản bị hư hỏng và một vụ cháy nhà trên đường Võ Thị Nhờ (phường Tân Thuận Đông, quận 7) đã làm 3 người thiệt mạng… Gần đây nhất, kho chứa nệm ghế của Công ty Phú Thịnh (huyện Củ Chi) đã phát cháy lớn khiến nhiều tài sản của công ty bị thiêu rụi. Lực lượng chữa cháy phải thức suốt đêm để khống chế đám cháy.
Theo phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh, trong những ngày cuối năm, nhiều hộ gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, đốt rác thải, cây cỏ; việc sử dụng các thiết bị điện, đun nấu, đốt nhang, vàng mã cũng xảy ra thường xuyên. Dịp cuối năm, nhiều kho bãi của các doanh nghiệp tập kết nhiều nguyên vật liệu; lượng hàng hóa về chợ, trung tâm thương mại cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, kho chứa bị dồn ứ, diện tích lối đi, lối thoát hiểm bị thu hẹp lại nên nguy cơ cháy nổ càng cao. Trong năm 2019, thống kê cho thấy, số vụ cháy nổ nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm khoảng 50% về số vụ và khoảng 83% thiệt hại về người. Ðây là con số đáng báo động, tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau, nhiều chủ cơ sở, hộ gia đình vẫn chủ quan với những cảnh báo, quy định của các cơ quan chức năng về cháy nổ nên nguy cơ cháy nổ tại khu vực nhà ở kết hợp nhà xưởng rất cao.
Ông Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, cho biết: "Có ba nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy nổ luôn ở mức cao. Thứ nhất là ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình và do vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng.
Thứ hai là hiện nay loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được luật hóa khiến việc xử lý của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Theo quy định bắt buộc, tại các cơ sở sản xuất phải lắp đặt trang thiết bị PCCC nhưng tại các cơ sở kết hợp các hộ gia đình vẫn chưa chú trọng việc này. Hiện nay, nhà ở đồng thời là nơi sản xuất, kinh doanh là loại hình rất phổ biến ở TP Hồ Chí Minh. Nhà ở kết hợp kinh doanh không chỉ nhiều nguy cơ cháy nổ từ việc câu mắc điện tùy tiện, hàng hóa bừa bộn, nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ… mà còn tiềm ẩn nguy cơ từ các bảng quảng cáo chằng chịt che kín mặt tiền, lối đi chật hẹp, không lối thoát hiểm.
Nguyên nhân cuối cùng còn do trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh còn lơ là, chủ quan, thiếu chặt chẽ nên cũng có nguy cơ cháy nổ cao".
Nâng cao ý thức người dân
Sau một số vụ cháy vừa xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong các khu dân cư, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Công an Thành phố và UBND 24 quận, huyện tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư. Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức thanh tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất nguy hiểm có nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư; kiểm tra hệ thống điện và hướng dẫn biện pháp an toàn khi sử dụng điện; rà soát, kiểm tra năng lực và quản lý đối với tổ chức, các nhân hành nghề hàn, cắt kim loại bằng thiết bị sử dụng khí dễ cháy.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức rà soát, phối hợp với các Sở, ban ngành để xử lý đối với những nhà ở, công trình xây dựng cơi nới chiếm dụng lối đi chung, đường giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... Tăng cường kiểm tra công tác nghiệm thu công trình nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên và các công trình không phải là nhà ở riêng lẻ như văn phòng, nhà ở kết hợp văn phòng… thuộc loại công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng do UBND quận, huyện cấp phép.
Đặc biệt, UBND Thành phố cũng chỉ đạo UBND phường – xã – thị trấn và các phòng, ban chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và nhận thức của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất và cá nhân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cháy nổ trong nhà dân vào các thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết để không xảy ra thảm họa cháy nổ, UBND TP Hồ Chí Minh cần sớm ban hành các quy định, tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh; tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân, ban quản lý các chợ, các chung cư phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, gas, hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Các lực lượng chữa cháy tại chỗ, chữa cháy chuyên nghiệp cần phải chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ"; các đơn vị PCCC tại quận, huyện cần tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như khu dân cư, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… "Tuy nhiên, để bảo đảm không để xảy ra các vụ cháy, quan trọng vẫn là cần nâng cao ý thức của người dân, tiểu thương. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa dành sự quan tâm đúng mức với vấn đề này thì “bà hỏa” vẫn là thảm họa tiềm ẩn khó lường", Trung tướng Lê Đông Phong cho biết.