Lực lượng chức năng sẽ giải tỏa chướng ngại vật trên sông thuộc địa bàn các xã: Lương Thế Trân, Tân Hưng, Đông Hưng, Đông của huyện Cái Nước; Tân Trung, Trần Thới, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc của huyện Đầm Dơi. Đồng thời, giải tỏa chướng ngại vật trên tuyến sông Bảy Háp có chiều dài 31km, đây là tuyến sông do Trung ương quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau thông tin: Sau quá trình thực hiện giải tỏa, ngành chức năng sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, trên tinh thần kiên quyết không để phát sinh các chướng ngại vật mới trên sông. Do đó, nếu địa phương nào để xuất hiện chướng ngại vật, người đứng đầu địa phương đó sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông đường thủy là do người điều khiển phương tiện hiểu biết về Luật Giao thông đường thủy hạn chế nên thường vi phạm quy tắc tránh vượt, thiết bị không an toàn, không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Mặt khác, hệ thống báo hiệu chỉ dẫn cho tàu, ghe hoạt động còn thiếu nhiều, nhất là ở các tuyến sông trọng điểm. Trong khi đó, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát đường thủy quá mỏng, thiếu phương tiện hoạt động, chưa đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, việc quy hoạch phân luồng, tuyến sông còn thiếu nhất quán, chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, dẫn đến tình trạng là các tuyến sông, kênh mới cải tạo thiếu sự thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm điều kiện an toàn giao thông, tai nạn xảy ra với tính chất nghiêm trọng, mức độ thiệt hại ngày càng cao.
Để ngăn ngừa các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa, Cà Mau đã xây dựng những giải pháp cấp bách cần thực hiện trong giai đoạn 2016 -2020. Bên cạnh đó, Cà Mau thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Công tác phối hợp liên ngành giữa các lực lượng trong kiểm tra được chú trọng, xử lý kiên quyết các vấn đề phức tạp về trật tự an toàn giao thông; các hành vi vi phạm nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa như: đặt cố định ngư cụ, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình ảnh hưởng đến luồng chạy tàu, phương tiện chở quá sức chở, không có bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, thiếu trang thiết bị, phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng...
Tuy nhiên, thực tế tồn tại là tình trạng ngành chức năng vừa giải tỏa, chướng ngại vật lại xuất hiện trở lại trên sông. Điều này xuất phát từ nguyên nhân vẫn còn nhiều hộ dân không đất sản xuất, có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề đặt đó, vó, lú... để khai thác thủy sản. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngoài việc tuyên truyền cho người dân cần rà soát, thống kê chặt chẽ hoàn cảnh của các hộ dân này để có giải pháp hỗ trợ dạy nghề, đào tạo nghề miễn phí, giúp họ có thể chuyển đổi nghề, đảm bảo cuộc sống.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bằng cho rằng, giải pháp căn cơ là ngành chức năng của tỉnh xây dựng đề án làng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để người dân đủ điều kiện có thể vào khai thác, đánh bắt hợp pháp. Từ đó, mới có thể chấm dứt tình trạng khai thác tràn lan, vi phạm pháp luật.