Cà Mau: Tiếp tục giải toả chướng ngại vật trên sông

Tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp nhằm giải tỏa vật chướng ngại trên sông, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông đường thuỷ huyện Trần Văn Thời kết hợp công an xã ra quân thanh thải chướng ngại vật trên sông Ông Đốc, đoạn xã Lợi An. Ảnh: baocamau.com.vn

Bên cạnh một số nơi triển khai khá tốt, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ông Huỳnh Hoàng Em, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban An toàn giao thông huyện Cái Nước cho biết, địa phương đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát đường thủy. Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng đã lập biên bản 90 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 78 trường hợp, với số tiền hơn 53 triệu đồng… Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Đội Cảnh sát Đường thủy Hòa Trung thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau, Công an xã Đông Hưng tổ chức 18 đợt kiểm tra, giải tỏa trên sông Bảy Háp và tạm giữ 36 miệng đáy.

Ngoài ra, địa phương đã tổ chức vận động người dân tự giác tháo dỡ vật chướng ngại trên sông, với nhiều hình thức như: Đăng ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ luồng, gây mất an toàn giao thông đường thủy, tuyên truyền trên loa truyền thanh về tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện địa phương gặp không ít khó khăn. Bên cạnh ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn đôi lúc chưa nhịp nhàng, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, phương tiện ít, nhất là đối với cấp xã. Ban An toàn giao thông các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, từ đó, chất lượng hoạt động của một số Ban An toàn giao thông các xã, thị trấn chưa cao. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhất là việc quản lý địa bàn sau các giờ cao điểm giải tỏa.

Đặc biệt, do tập quán sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông của các hộ dân nên tình trạng tái lấn chiếm hành lang đường thủy sau những đợt kiểm tra, giải tỏa vẫn thường xuyên diễn ra. Vì vậy nếu không tạo điều kiện, hướng dẫn để người dân chuyển đổi ngành nghề việc tái chiếm sẽ tiếp tục diễn ra.

Tại thành phố Cà Mau, Ban An toàn giao thông thành phố đã triển khai 6 cuộc giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông do Trung ương và địa phương quản lý. Kết quả đã giải tỏa, thanh thải 8 hàng đáy, 8 chòi canh, trên 200 vật chướng ngại, trả lại sự thông thoáng cho các tuyến sông. Tuy nhiên, vấn đề tái chiếm vẫn xảy ra ở nhiều tuyến sông trên địa bàn thành phố. Đơn cử như tuyến sông Cà Mau - Hòa Thành, nhiều hộ dân tiếp tục tái chiếm lòng sông mưu sinh bằng nghề đặt lú.

Theo ông Đỗ Tấn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau, quá trình thực hiện giải tỏa chướng ngại vật rất khó khăn. Theo thống kê, hiện toàn xã còn 28 hộ sinh sống bằng nghề đặt lú trên sông. Việc tái lấn chiếm sau khi giải tỏa thường xuyên diễn ra do các hộ này không có đất sản xuất, ngoài ra đây lại là nghề duy nhất để mưu sinh của họ. Vì vậy, cần có cơ chế, giải pháp để chuyển đổi ngành nghề để điều kiện cho những hộ dân này không tiếp tục tái chiếm lòng sông.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 4 người chết. Địa bàn huyện Ngọc Hiển xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 3 người chết; trong đó, có 2 vụ tai nạn do va chạm vào hàng đáy, các cột đăng đáy neo.

Qua rà soát, hiện trên toàn địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 1.500 chướng ngại vật trên sông, với khoảng 400 hộ tương đương gần 1.600 khẩu sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản trên sông. Tình trạng này khiến ngành chức năng huyện Ngọc Hiển gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa dứt điểm các chướng ngại vật trên sông.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng cho biết, để giải quyết tình trạng này, các địa phương cần điều tra, rà soát, phân loại địa bàn thật cụ thể để có giải pháp chỉ đạo đúng, hiệu quả đối với việc chuyển đổi sản xuất cho người dân trên tuyến. Giải quyết triệt để tình trạng này rất cần sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân sinh sống trên các tuyến sông. Trong đó, việc nghiên cứu tìm ra giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi ngành nghề sản xuất cho người dân sau giải tỏa mới chính là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Tăng cường quản lý phương tiện, thuyền viên trên đường thủy nội địa
Tăng cường quản lý phương tiện, thuyền viên trên đường thủy nội địa

Ngày 1/11, tại Hải Phòng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp tổ chức hội nghị "Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý phương tiện, thuyền viên góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN