VNeID hỗ trợ hiệu quả việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mua thuốc trực tuyến

Hiện trên ứng dụng VNeID đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mua thuốc trực tuyến; tiến tới có thể bổ sung thực hiện việc kê đơn thuốc trực tuyến và quản lý thông tin khám chữa bệnh toàn dân một cách hiệu quả.

Chú thích ảnh
  Tọa đàm “Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Ảnh: PV

Ngày 22/4, tại Tọa đàm “Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi” do Báo Tuổi trẻ tổ chức, các chuyên gia đã thông tin và thảo luận về việc kết nối VNeID trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như: Y tế, giáo dục, thương mại điện tử, các dịch vụ của người dân…

Trong đó, đối với lĩnh vực y tế, VNeID đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mua thuốc trực tuyến trên VNeID và tiến tới có thể bổ sung thực hiện việc kê đơn thuốc trực tuyến và quản lý thông tin khám chữa bệnh toàn dân một cách hiệu quả.

Về việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, ông Phạm Xuân Viết, phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: “Đến nay tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã tham gia vào hệ thống sổ khám sức khỏe điện tử trên VNeID. Đã có gần 24 triệu sổ sức khỏe điện tử được kích hoạt và sử dụng chính thức với việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh trên 800.000 và gần 3 triệu giấy hẹn khám lại. Có gần 50 triệu lượt truy cập vào sổ sức khỏe điện tử”.

Theo ông Phạm Xuân Viết, đây là con số rất tích cực và việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, người dân, như tạo sự tiện lợi, truy cập thông tin dễ dàng với các cơ sở y tế, người bệnh. Qua đây có thể chia sẻ thông tin, các dữ liệu khám chữa bệnh của người dân mà cơ sở khám sức khỏe muốn khai thác và người dân có thể dễ dàng theo dõi. Đặc biệt, khi liên thông các thông tin này có thể giúp giảm sai sót, quản lý khám chữa bệnh của người dân tốt hơn. Có sổ sức khỏe điện tử, người dân sẽ không còn phải mua cuốn sổ khám bệnh mỗi lần đi khám, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh để truy cập vào sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, .

Bên cạnh đó, việc liên thông các thông tin trên sổ sức khỏe điện tử còn giúp quản lý, phát hiện dịch bệnh mới (nếu có) và xem xét mô hình bệnh tật của người dân từng thời kỳ, xây dựng nền y tế thông minh, minh bạch…

Bên cạnh việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, trên VNeID cũng đã tích hợp thành công chức năng mua thuốc trực tuyến, hiện đã có 2 đơn vị nhà thuốc được tích hợp trên VNeID.

Chia sẻ hiệu quả của việc tích hợp chức năng mua thuốc trực tuyến trên VNeID, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Long Châu- đơn vị đầu tiên được tích hợp vào ứng dụng VNeID chia sẻ: "Khi ứng dụng mua thuốc trực tuyến được kết nối thành công với VNeID và trở thành cấu phần của sổ sức khỏe điện tử thì người dân, bệnh nhân, khách hàng có một nơi tin tưởng để thực hiện các hoạt động mua bán thuốc được an toàn. Riêng FPT Long Châu hiện đã có hơn 100.000 lượt khách hàng sử dụng chức năng giao dịch mua thuốc trên VNeID".

Bà Nguyễn Đỗ Quyên cũng khẳng định, việc các bước khi người dân mua thuốc qua VNeID đều được bảo mật, đều phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng thì mới có thể thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, khi mua thuốc trực tuyến qua VNeID, lịch sử mua thuốc, nhân viên bán thuốc, giá cả… đều rất minh bạch, rõ ràng; người dân có thể dễ dàng “truy vết” nếu cần.

Đơn vị này cho biết, sau khi triển khai thành công sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kết nối VNeID với các nhà thuốc khác trên toàn quốc.

Bên cạnh lĩnh vực y tế, đối với các lĩnh vực khác như trong ngành giáo dục, VNeID cũng hỗ trợ đồng bộ dữ liệu học sinh, sinh viên, phục vụ tuyển sinh và quản lý thi cử một cách minh bạch. Đối với các dịch vụ dân sinh, ứng dụng này giúp người dân đăng ký định mức điện, nước sinh hoạt, thanh toán trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, tính năng ưu việt của VNeID cũng thể hiện trong các giao dịch thương mại đến tích hợp đa dịch vụ trong một nền tảng duy nhất…

Trao đổi tại tọa đàm, Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an) cho biết: “Với mục tiêu công dân số, xã hội số, Chính phủ số, Cục C06 đã tiếp tục tham mưu cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân và đó là công cụ để người dân tham gia môi trường số. Đến nay, đã có hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân được cấp và kích hoạt. Tỷ lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu người/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần so với năm 2023)".

Theo đó, App VNeID là “app toàn dân”, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi. Để app VNeID hoạt động an toàn, tiện lợi, có 5 yêu cầu quan trọng được thực hiện gồm: Pháp lý, dữ liệu, an ninh an toàn, hạ tầng, nguồn lực.

Bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, phát triển, tham mưu các tiện ích trên VNeID, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cũng lập các trang mạng xã hội trên Facebook, Zalo tiếp nhận các góp ý của người dân để hoàn thiện, giúp VNeID tiện lợi nhất.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025
Thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025

Bên cạnh việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT bằng tài khoản được cấp trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia) để đăng ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN