Sự gia tăng các cơ sở thẩm mỹ cùng “chiêu thức tinh vi” đối phó của các cơ sở thẩm mỹ chui, không phép đã và đang gây nhiều khó khăn đối với các cơ quan quản lý. Tại Hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/8, các chuyên gia đề xuất, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các sai phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ.
78% vụ việc, đơn thư liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ
Bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Thành phố hiện có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 414 phòng khám chuyên khoa da liễu. Bên cạnh đó là 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (bao gồm các spa, cơ sở chăm sóc da…). Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế này do các quận, huyện cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép.
Sự phát triển nhanh của các cơ sở thẩm mỹ đã phần nào đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt là những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế nhưng lại “lấn sân” sang thực hiện các kỹ thuật y tế. Các thẩm mỹ chui, thẩm mỹ không phép cũng ngày càng gia tăng.
Việc quảng cáo sai sự thật được thực hiện rầm rộ trên mạng xã hội… gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đơn thư, phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính đối với các cơ sở thẩm mỹ cũng chiếm 78% trong tổng số phản ánh mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận được. Và hệ quả là thời gian qua đã xuất hiện nhiều sự cố y khoa trong thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thậm chí là gây tử vong.
Phân tích nguyên nhân, bác sĩ Hồ Văn Hân cho biết, đây là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn nên thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư. So với các nước phát triển, quy định pháp luật trong quản lý cơ sở thẩm mỹ tại Việt Nam vẫn còn “khoảng trống”, chưa theo kịp, phù hợp với thực tế. Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội của Việt Nam chưa thật sự tốt; chưa thể kiểm soát các hoạt động đào tạo nghề thẩm mỹ “chui”; việc cấp phép, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lỏng lẻo…
Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 200 - 500 bệnh nhân bị biến chứng sau thẩm mỹ. Thường gặp nhất là tai biến do tiêm, chích chất làm đầy (chiếm khoảng 69%), tiếp theo là do bắn lazer, tái tạo da bằng hóa chất...
Nguyên nhân của các tai biến này, theo bác sĩ Thúy là do không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình thực hiện thẩm mỹ. Người thực hiện không có chuyên môn, thiết bị không qua thẩm định, hư hỏng…, hầu hết được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ "chui" hoặc nguy hiểm hơn là tự thực hiện tại nhà.
Đẩy mạnh các giải pháp quản lý cơ sở thẩm mỹ
Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, truy tìm các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, từ đó tiến hành kiểm tra và xử phạt khi phát hiện vi phạm. Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế đánh giá, đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua và đã góp phần ngăn chặn kịp thời các cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây hiểu nhầm cho người dân. Trong 8 tháng của năm 2024, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 120 cơ sở thẩm mỹ, ban hành 136 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng.
Là địa phương có số lượng cơ sở thẩm mỹ lớn với 87 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 352 cơ sở dịch vụ làm đẹp, Quận 10 thường xuyên nhận được các phản ánh của người dân về hoạt động thẩm mỹ. Bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Y tế Quận 10 cho biết, từ năm 2023 đến nay, ở quận đã xảy ra 10 sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, có trường hợp tử vong. Các vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ rất phức tạp và thường lặp đi lặp lại.
Trước thực trạng trên, UBND Quận 10 đã tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở không phép. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở vi phạm chiếm 24,7% với các lỗi như: Hoạt động khám chữa bệnh không phép, không có giấy phép hành nghề, quảng cáo sai quy định… Để cảnh báo người dân, UBND Quận 10 đã triển khai thí điểm mô hình gắn bảng đỏ vi phạm trước các cơ sở thẩm mỹ đang bị đình chỉ hoạt động, giao UBND các phường giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, bác sĩ Lê Hồng Tây đề xuất, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ; nên có quy định xử lý hình sự đối với các cơ sở thẩm mỹ không phép, cá nhân không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hành nghề “chui”.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho rằng, cần lấp đầy các “khoảng trống” trong quản lý đối với các cơ sở thẩm mỹ nhằm tạo an toàn tuyệt đối cho người bệnh. Cụ thể, người hành nghề phải có giấy phép phù hợp, hoạt động trong phạm vi năng lực và chuyên môn, tuyệt đối không vượt quá chuyên môn, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Tuân thủ việc báo cáo các sự cố y khoa, cơ sở cung cấp dịch vụ và phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trước, trong và sau quá trình phẫu thuật thẩm mỹ. Đối với những cơ sở thẩm mỹ vi phạm nhiều lần, cố ý “thay tên đổi họ”, thay đổi mô hình để tiếp tục hoạt động, thách thức pháp luật thì cần có hình thức xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ triển khai 3 nhóm giải pháp đang được nhiều nước trên thế giới vận dụng hiệu quả. Trước hết là siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ, nâng cao nhận thức của khách hàng và quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ. Sở dự kiến sẽ triển khai thí điểm hồ sơ số hoá về thẩm mỹ để thu thập dữ liệu cho công tác quản lý, yêu cầu tất cả các phòng khám và bệnh viện phải tuân thủ thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục chuẩn hóa quy trình kỹ thuật áp dụng với tất cả các cơ sở, phòng khám thẩm mỹ nhằm đảm bảo an toàn người bệnh; đồng thời duy trì phối hợp với UBND các quận, huyện, Công an Thành phố và sở ngành liên quan để xử lý vi phạm.