Theo ông Nguyễn Hải Nam, vấn đề cung ứng thuốc đầy đủ cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh tham gia bảo hiểm y tế rất được lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Sở Y tế quan tâm.
Từ đầu năm 2023, lãnh đạo Sở Y tế thường xuyên làm việc với giám đốc của các bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc, có văn bản nhắc nhở các cơ sở y tế đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho bệnh nhân để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nhất là người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế.
“Qua các buổi làm việc, có thể khẳng định về cơ bản các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân do các đơn vị đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định”, ông Nguyễn Hải Nam thông tin
Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng, một vài trường hợp có phản ảnh thiếu thuốc trong điều trị là những trường hợp cá biệt, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: số lượng bệnh nhân tăng trở lại sau dịch bệnh, gián đoạn nguồn cung ứng thuốc và nguyên liệu làm thuốc, gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng chiến sự tại vài khu vực…
Trước tình hình này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã chủ động nắm bắt thông tin về các trường hợp thiếu thuốc có ảnh hưởng đến điều trị và thực hiện nhiều giải pháp can thiệp như rà soát phác đồ điều trị, kiến nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý dược hỗ trợ tìm nguồn cung ứng, phối hợp công ty cung ứng để nhập khẩu khẩn cấp các thuốc hiếm để phục vụ điều trị đặc biệt như thuốc tiêm immunoglobulin, phenobarbital trong điều trị tay chân miệng...
“Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người dân có thể phản ánh vào đường dây nóng của ngành y tế hoặc qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được tiếp nhận và hướng dẫn”, ông Nguyễn Hải Nam đề nghị.
Trước đó, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) khẳng định, thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả trúng thầu không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.