TP Hồ Chí Minh: 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan lĩnh vực y dược, mỹ phẩm

Ngày 4/10, ông Nguyễn Thanh Hiển, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu đến nay, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh và sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, hoạt động trong lĩnh vực dược.

Theo ông Nguyễn Thanh Hiển, sự đa dạng hoá các loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực y tế cùng với sự gia tăng liên tục về số lượng cơ sở vừa là thời cơ, vừa là thách thức của ngành y tế thành phố.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thanh Hiển, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ về các sai phạm của các cơ sở kinh doanh lĩnh vực trang thiết bị y tế. 

Theo đó, các điểm tồn tại chung của các cơ sở sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực y tế  là quảng cáo quá nội dung cho phép; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Đối với lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, các sai phạm thường gặp là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; điều kiện sản xuất mỹ phẩm; nội dung ghi trên nhãn.

“Thậm chí có những cơ sở kinh doanh mỹ phẩm làm giả nguồn gốc xuất xứ. Vừa qua, chúng tôi đã phát hiện kho hàng rất lớn sản xuất tại Việt Nam nhưng lại để sản xuất ở nước ngoài, chúng tôi đã chuyển vụ việc cho công an điều tra. Hay có những sản phẩm ghi trên nhãn sản phẩm là sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, nhưng thực tế doanh nghiệp không đưa ra được giấy phép nào chứng minh  công nghệ hay sử dụng nguyên liệu nào của Nhật Bản. Đáng lo ngại, các doanh nghiệp cho biết ghi thông tin như vậy cho dễ bán”, ông Nguyễn Thanh Hiển thông tin.

Chú thích ảnh
Công ty Yody Phương Anh vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt 170 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất vì có nhiều vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Còn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thậm chí có cơ sở kinh doanh thuốc giả và đã được đơn vị chuyển hồ sơ sang Công an Thành phố.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hiển còn cho rằng, các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị y tế còn nhức nhối hơn trong lĩnh vực kinh doanh dược. Cụ thể, các chất botox, filler… được mua bán rất dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm này thường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 605 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, kinh doanh dược, mỹ phẩm… trong đó có 426 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt lên gần 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở y tế cũng đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, trong đó có 2 vụ liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, hai vụ việc còn lại liên quan đến sản xuất kinh doanh mỹ phẩm và hoạt động trong lĩnh vực dược.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Mỹ phẩm giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử - Bài 2: Kiểm soát chặt từ cơ sở sản xuất đến kinh doanh
Mỹ phẩm giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử - Bài 2: Kiểm soát chặt từ cơ sở sản xuất đến kinh doanh

Trước tình trạng mỹ phẩm giả và kém chất lượng được bán tràn lan thông qua các nền tảng trực tuyến, từ Facebook, TikTok đến các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lâzda, công tác quản lý và kiểm soát với mặt hàng này đã trở nên cấp bách. Theo đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng như tăng cường kiểm tra, thanh tra đến xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN