Trả lời với báo giới trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 6/12 về việc chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Sau 15 năm ban hành Luật BHYT, bao phủ BHYT của Việt Nam đến nay đã đạt gần 91 triệu người, chiếm khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm cũng đã gia tăng với 150,5 triệu lượt trong năm 2022. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng.
“Mỗi năm quỹ BHYT chi trả khoảng 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ BHYT chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện. Chất lượng dịch vụ y tế đang từng bước được nâng cao”, bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ ngày 1/1/2021 áp dụng thông tuyến tỉnh trên toàn quốc cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ đã và đang tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ y học gia đình; nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
“Tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã đối với một số bệnh mãn tính; cải thiện quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối cải cách các quy định chuyển tuyến; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kĩ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới, đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kĩ thuật”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện như: Củng cố xây dựng hệ thống tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện; đào tạo kiểm tra giám sát thực hiện quản lý chất lượng bệnh viện; đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí cũng như là thời gian của người bệnh.