Trong tuần qua, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.
Ban Chỉ đạo nhận định, tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày.
Sẵn sàng cho việc triển khai cấp “Hộ chiếu vaccine”
Tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp "Hộ chiếu vaccine" và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 đến các cơ sở y tế trong cả nước mới đây, Thứ tưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện đã có gần 2.500 hộ chiếu vaccine điện tử được chứng nhận.
Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 8/4/2022, để Bộ Y tế tiến hành cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân, dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4 tới.
“Hộ chiếu vaccine" điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử, do vậy người dân tiêm bao nhiêu mũi thì vẫn được cấp "Hộ chiếu vaccine", trong đó sẽ có thông tin tiêm loại vaccine nào, bao nhiêu mũi.
"Hộ chiếu vaccine" điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng. Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp "Hộ chiếu vaccine". Để biết "Hộ chiếu vaccine" được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao. Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "Hộ chiếu vaccine" mà không phải làm thủ tục gì thêm.
"Hộ chiếu vaccine" điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
Chiều 7/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin cập nhật về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 quốc gia gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi theo quy định
Trao đổi tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, vào đầu tháng 12/2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu, rà soát trên cơ sở đề nghị của 63 tỉnh, thành phố, đã báo cáo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo điều kiện đặc biệt, với số lượng 21,9 triệu liều. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận đi đến ký kết mua với Pfizer, có một số quốc gia, tổ chức sẽ hỗ trợ vaccine tiêm cho trẻ em. Đặc biệt, vừa qua, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia, Hà Lan, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam (US CDC) và đang có điều chỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để làm sao vừa mua vaccine theo nghị quyết của Chính phủ, vừa tiếp nhận vaccine viện trợ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng theo quy định.
Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đồng thời tổ chức tập huấn triển khai kế hoạch, kỹ thuật tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để các địa phương có thể chủ động khi vaccine về Việt Nam là triển khai được ngay.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết, tính đến chiều 7/4, cả nước đã tiêm 207.379.359 liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là: mũi 1 là 100%; mũi 2 là 99,8%; mũi 3 đạt 50,2%. Đối với người từ 12 - 17 tuổi: mũi 1 là 99,8%, mũi 2 là 95,1%.
Liên quan đến vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết, dự kiến ngày 9/4, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm gần một triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Công tác tiêm chủng cho trẻ sẽ được triển khai ngay sau khi việc kiểm định vaccine hoàn thành, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2022.
Dự kiến lô vaccine thứ hai sẽ về vào ngày 13/4 và lô thứ ba sẽ về trước ngày 18/4.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết, có hai loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Ở lứa tuổi này, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Theo đó, triển khai trước cho trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi mắc COVID-19 khỏi bệnh ít nhất 3 tháng nên tiêm vaccine COVID-19; với trẻ trên 12 tuổi khoảng thời gian này là 3-6 tháng.
Bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 838/QĐ-BYT hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và một số vụ, cục của Bộ về việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19.
Theo hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, đối tượng áp dụng bao gồm: Người sử dụng lao động, cán bộ quản lý cơ sở y tế, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Toàn bộ người lao động làm việc trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, làm các nghề, công việc có nguy cơ rủi ro an toàn vệ sinh lao động trong phòng, chống dịch COVID-19 và được phân loại theo quy trình, hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo 6 nhóm.
Hướng dẫn cũng nêu các biện pháp dự phòng đối với yếu tố nguy cơ gây mệt mỏi cho nhân viên y tế để bảo đảm thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe.