Đây là một nội dung chính được thảo luận tại Tọa đàm “Những đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe tim mạch và Điều trị đột quỵ” thuộc chuỗi sự kiện “Khoa học vì cuộc sống” nằm trong Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture năm 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12.
80% ca đột quỵ tim mạch ở nhóm nguy cơ thấp và vừa
Giáo sư Alta Schutte, Trưởng nhóm nghiên cứu về Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y Đại học New South Wales, Australia, thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture cho biết, hơn 70% các ca đột quỵ liên quan đến huyết áp. Trong khi đó, hiện có 1,4 tỷ người trên thế giới đang mắc tăng huyết áp. Nguyên nhân chính dẫn đến các nguy cơ đột quỵ là từ ô nhiễm không khí; cùng với đó là chế độ ăn, thực phẩm, thói quen sinh hoạt…
“Ngày càng nhiều trẻ em và người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 mắc tăng huyết áp, bệnh mà trước đây chúng ta chỉ thấy ở người từ 60 tuổi trở lên. Mắc tăng huyết áp sớm hơn, đồng nghĩa với nguy cơ khởi phát đột quỵ sớm hơn, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống”, Giáo sư Alta Schutte nói.
Giáo sư Schutte lưu ý, tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm và điều trị đột quỵ. Một nửa số người mắc tăng huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh và họ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận và sa sút trí tuệ. Hơn 75% trong số này đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình. Như vậy nghĩa là cần cải thiện tình hình không chỉ ở những nơi có điều kiện tốt, mà còn ở các quốc gia có điều kiện khó khăn hơn.
Đồng quan điểm với Giáo sư Schutte, Giáo sư Valery Feigin, Giáo sư thần kinh học và dịch tễ học, Giám đốc Viện Nghiên cứu đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Aukland (New Zealand) nhận xét, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ mắc mới đột quỵ tăng trở lại và trở thành gánh nặng đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Đột quỵ là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tàn tật; trung bình cứ 4 người có 1 người nguy cơ đột quỵ với độ tuổi ngày càng trẻ hóa.
Cũng theo Giáo sư Valery Feigin, các yếu tố về lối sống không lành mạnh đang thường bị bỏ qua khi đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các biện pháp phòng ngừa tập trung chủ yếu cho nhóm người có nguy cơ cao, trong khi có đến 80% các ca đột quỵ và biến cố tim mạch xảy ra ở nhóm người có nguy cơ từ thấp đến vừa.
“Thừa cân, béo phì và chế độ ăn thiếu chất xơ, uống nhiều nước ngọt và đồ uống có cồn dẫn đến tăng huyết áp và các rối loạn chuyển hóa. Điều này kéo theo nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch”, Giáo sư Feigin nói. Vị chuyên gia trong top 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong mọi lĩnh vực đồng thời cho biết, đây là lối sống thường thấy ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới
Trước nguy cơ ngày càng gia tăng đối với bệnh tăng huyết áp và đột quỵ, Giáo sư Schutte cho biết, gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra một số công nghệ ấn tượng trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ; trong đó, một loại thuốc tiêm giúp hạ huyết áp là sáng kiến có khả năng cao sẽ được áp dụng trong thực tế. Mỗi lần tiêm có tác dụng trong 6 tháng và bệnh nhân không phải uống thuốc mỗi ngày. Loại thuốc này gần giống như một loại vaccine. Bệnh nhân sẽ không phải mua thuốc thường xuyên và bác sỹ cũng không phải theo dõi bệnh nhân có sử dụng thuốc đúng chỉ định hay không.
“Hoặc sẽ có giải pháp kết hợp chữa nhiều loại bệnh khác nhau trong một viên thuốc. Hầu hết những bệnh nhân mắc tăng huyết áp cũng mắc thêm 1-2 loại bệnh khác. Việc kết hợp được các loại thuốc chữa bệnh trong cùng 1 viên thuốc là giải pháp hiệu quả cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị lâu dài”, Giáo sư Schutte chia sẻ thêm. Một phương án khác được Giáo sư Schutte đưa ra là việc sử dụng chất thay thế muối với những bệnh nhân trên 60 tuổi có tiền sử đột quỵ. Cùng với đó, giảm chế độ ăn có natri, tăng cường kali để giảm nguy cơ về tai biến tim mạch.
Giới thiệu về sáng kiến được Giáo sư Valery Feigin và nhóm nghiên cứu thực hiện trong 10 năm qua về việc sử dụng hệ thống dữ liệu sức khỏe trong dự đoán nguy cơ bệnh đột quỵ, ông cho biết, đây là một phần mềm có thể tính toán nguy cơ đột quỵ có tên “Stroke Riskometer”. Thử nghiệm lâm sàng ở New Zealand đối với việc sử dụng "Stroke Riskometer" cho thấy, công cụ này giúp tăng nhận thức và thay đổi hành vi người bệnh, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh. Sau 6 - 9 tháng theo dõi, sử dụng phối hợp với việc điều chỉnh huyết áp và thay đổi lối sống, các nhân viên y tế nhận thấy, người bệnh có kết quả tốt trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch và đột quỵ; đặc biệt là với độ tuổi từ 50 - 74; đồng thời, giúp giảm 40 - 50% tỷ lệ mắc mới trong cộng đồng.
Đánh giá tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam đang rất cao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có tới hơn 2 nghìn ca đột quỵ mỗi năm; trong số này, có tới 10% tử vong trong 90 ngày; tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng tăng. Thời gian tới, Phó Giáo sư Mai Duy Tôn cho rằng, cần có kế hoạch tập trung vào phòng ngừa, đưa những phương pháp mới vào điều trị. “Chúng tôi sẽ trình bày kế hoạch về 10 phương pháp giảm tỷ lệ đột quỵ trong thời gian tới với Bộ Y tế. Tôi mong muốn các giáo sư chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm để Việt Nam học tập và cải thiện tình hình trong 5 năm tới”, Phó Giáo sư Mai Duy Tôn nói.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội; Tổng Thư ký Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam đề xuất, bản thân mỗi người phải tự nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe, đồng thời cần quan tâm tìm hiểu thông tin về bệnh đột quỵ, tăng huyết áp cũng như các bệnh về tim mạch qua giáo dục và truyền thông. Với các bệnh lý về tim mạch, có thể nghiên cứu ứng dụng AI và một số công nghệ hiện đại để hỗ trợ nhân viên y tế trong điều trị, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.