Ghi nhận tại Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình, đơn vị này đang thiếu một số loại thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm. Cụ thể, bệnh viện đang thiếu 20/381 loại thuốc như thuốc cấp cứu, dịch truyền, kháng sinh… Đối với vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, bệnh viện thiếu 38 loại vật tư tiêu hao như bơm tiêm nhựa 50ml, dây truyền dịch, cồn tuyệt đối, tuýp chống đông, que gỗ lấy bệnh phẩm, chỉ thị hóa học/sinh học, túi ép tiệt trùng…
Bà Lê Thị Hoa, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, đối với các loại thuốc do 6 tháng đầu năm, bệnh viện tổ chức 4 gói thầu nhưng khi có kết quả lựa chọn nhà thầu tỷ lệ trượt thầu tới 40%. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh tại bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến người bệnh. Để khắc phục, hiện nay, bệnh viện rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc và các vật tư y tế trượt thầu để thực hiện thầu bổ sung.
Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình đang thiếu 22/68 loại thuốc như thuốc chuyên khoa về mắt, thuốc gây tê, gây mê... Đặc biệt, nhiều trang thiết bị y tế, máy móc của bệnh viện sử dụng đã lâu và xuống cấp. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đón gần 2.200 bệnh nhân đa số là người cao tuổi nên khi thiếu thuốc và không có vật tư điều trị gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình, riêng về thuốc, trong 35 mặt hàng đấu thầu bệnh viện chỉ trúng 15 mặt hàng. Trong 20 mặt hàng trượt thầu, có 18 mặt hàng không có nhà thầu tham gia. Bên cạnh nguyên nhân nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham gia, đối với bệnh viện, một số loại thuốc do đấu thầu quá ít nên không trúng thầu ví dụ như dịch truyền. Do đơn vị có đặc thù khám chữa bệnh về mắt nên chủ yếu dịch truyền chỉ để sử dụng trong phẫu thuật Phaco ở mắt, số lượng sử dụng mỗi năm rất ít. Tuy nhiên, dịch truyền trong phẫu thuật lại không thể thiếu, việc không trúng thầu mặt hàng này gây khó khăn không nhỏ đối với đơn vị. Vì vậy, bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế, đối với những mặt hàng bệnh viện đấu thầu với số lượng ít, Sở cho đấu thầu tập trung tất cả các đơn vị để số lượng tăng lên mới có các nhà thầu tham gia.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, tính đến đầu tháng 8, có 7/16 cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở thiếu một số thuốc. Những đơn vị còn lại cơ bản đủ thuốc để sử dụng đến khi có kết quả lựa chọn các gói thầu đang triển khai. Đối với tình hình cung ứng vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, hiện 4 đơn vị đang thiếu một số vật tư y tế, hóa chất và 4 đơn vị dự kiến sẽ thiếu một số vật tư, hóa chất trong tháng 8-10/2022 như: Bệnh viện Nho Quan, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt và Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn.
Theo đại diện Sở Y tế, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là do các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư hóa chất. Với thuốc y học cổ truyền hiện chưa có giấy đăng ký lưu hành như quy định tại Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế, có những thuốc đã đấu thầu trúng nhưng vì không có số đăng ký nên không lấy được.
Bên cạnh đó, công tác thống kê, báo cáo, dự báo của cơ sở chưa thường xuyên, kịp thời dẫn đến dự trù thuốc chưa sát thực tế. Công tác xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các cơ sở y tế chưa phù hợp dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài do còn nhiều nội dung vướng mắc theo các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ sở y tế đã có văn bản hỏi cơ quan quản lý nhưng thời gian nhận văn bản trả lời của cơ quan quản lý còn chậm.
Ngành Y tế đã tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm. Ngày 25/7/2022, Sở Y tế đã có công văn số 1914/SYT-NVD-QLHN về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh gửi các cơ sở y tế công lập trực thuộc trong đó đã có hướng dẫn chi tiết các giải pháp trong mua sắm thuốc.
Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo cơ sở y tế chủ động cân đối tồn trữ các thuốc đã trúng thầu đủ sử dụng trong 3 tháng tiếp theo đảm bảo không để thiếu thuốc trong thời gian chờ có kết quả lựa chọn nhà thầu của kỳ thầu tới; chỉ định sử dụng thuốc thay thế thuốc không lựa chọn được nhà thầu bằng các thuốc tương đương; yêu cầu cơ sở tổ chức đấu thầu lại ngay các thuốc không lựa chọn được nhà thầu. Về vật tư, thiết bị, hóa chất, Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị triển khai mua sắm qua mạng một số gói thầu nhỏ trong phạm vi phân cấp, tuy nhiên số lượng mặt hàng ít nên chưa đáp ứng hết nhu cầu khám chữa bệnh tại đơn vị, có gói thầu không có nhà thầu tham gia.
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị hóa chất, ngành Y tế đề nghị, UBND tỉnh phân cấp cho các cơ sở y tế các gói thuốc quy mô nhỏ để đảm bảo tiến độ mua sắm; xem xét phê duyệt thêm hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp để đảm bảo tiến độ mua sắm thuốc.
UBND tỉnh cần kiến nghị Bộ Y tế ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập; ban hành danh mục trang thiết bị y tế thuộc loại B,C,D được mua bán như các hàng hóa thông thường. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội nên cho người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế bằng hóa đơn mua vào đối với các mặt hàng thuốc, vật tư y tế trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu.