Với độ bao phủ ngày càng cao, việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT như thế nào, thưa Vụ trưởng?
Hiện nay, trước sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT, khả năng chi trả của người tham gia, quyền lợi của người tham gia BHYT... ngày càng được mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Mục tiêu hướng tới là giảm chi tiền túi từ các hộ gia đình tham gia BHYT.
Phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT hiện nay tương đối toàn diện. BHYT đã chi trả cho các dịch vụ, bao gồm: Chi phí dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở khám chữa bệnh…
Danh mục thuốc (bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế), vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật BHYT luôn được rà soát để cập nhật phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Hằng năm, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87% - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia BHYT, người bệnh có trách nhiệm đồng chi trả từ 11% - 13%.
Bên cạnh đó, quỹ BHYT cũng chi trả các mục khác như: Chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương đối với một số đối tượng ưu tiên như người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi… trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. Quỹ BHYT cũng trích một phần chi phí từ số thu BHYT cho các đơn vị trường học, cơ quan/tổ chức để phục vụ công tác khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh, quy trình thủ tục thanh toán cũng ngày càng được cải cách mạnh mẽ; ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm phiền hà, tạo điều kiện cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT với người dân đã ở mức nào, việc sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh ra sao, thưa Vụ trưởng?
Tính đến ngày 31/12/2023, đã có hơn 93,307 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Con số này tăng nhanh theo từng năm: Từ năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT) tỷ lệ bao phủ mới đạt 58% dân số; đến 2015, năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, số người tham gia BHYT là 68,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 74,9% dân số; năm 2019 số người tham gia BHYT là 85,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ đạt 89,1% dân số.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh cũng tăng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-9, số lượt khám chữa bệnh BHYT có giảm so với giai đoạn 2015 - 2019. Cụ thể, năm 2020, số lượt khám chữa bệnh BHYT toàn quốc là 167,3 triệu lượt (giảm 16,7 triệu lượt so với năm 2019). Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ổn định hơn, số lượt khám chữa bệnh BHYT đã tăng lên 150,4 triệu lượt, tăng 24 triệu lượt so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú, tăng hơn 6,5 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Y tế đã có những giải pháp nào để sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng đáp ứng mong mỏi của người tham gia BHYT, thưa Vụ trưởng?
Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế công lập trên cả nước có chức năng khám chữa bệnh đều tham gia ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Có gần 10.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng tham gia khám chữa bệnh BHYT thông qua hợp đồng do các bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với cơ quan BHXH.
Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT để nâng cao chất lượng và bảo đảm cung ứng đủ thuốc, thiết bị y tế cho khám bệnh, chữa bệnh, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người dân. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả, tiết kiệm quỹ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia.
Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế phối hợp với BHXH và các đơn vị có kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng tham gia BHYT tại địa phương. Yêu cầu ngành y tế không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người bệnh theo quy định của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở.
BHYT là chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước.
Xin trân trọng cám ơn Vụ trưởng!