Đây là dịp để thế giới cùng nhìn lại, tập trung giải quyết những vấn đề mà trẻ em gái phải đối mặt, trong đó một chủ đề cấp thiết hiện nay là bảo vệ sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái vị thành niên.
Thực trạng đáng báo động
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm có gần 300.000 ca nạo hút thai, trong đó tỷ lệ cao thuộc về nhóm trẻ em gái độ tuổi 15-19, với khoảng 60-70% là học sinh, sinh viên. Những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi - tức vào tháng thứ 3 của thai kỳ - chiếm tới gần 80% - một con số báo động về việc các em gái không phát hiện sớm hoặc không có điều kiện xử lý kịp thời.
Theo báo cáo của Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2023, tại bệnh viện có 34.360 ca sinh thì đến 423 ca là trẻ vị thành niên, 9.762 ca phá thai thì có 105 ca trong cảnh tương tự. Điều này có nghĩa mỗi ngày, trung bình có 1,5 trẻ vị thành niên đến bệnh viện này để sinh hoặc bỏ thai. Đây cũng chỉ là thống kê của Bệnh viện Hùng Vương, còn rất nhiều bệnh viện khác trên khắp cả nước. Việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên không chỉ để lại những hậu quả tức thời về thể chất mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản và tâm lý của các em gái.
Chị H (Đống Đa, Hà Nội), hiện 25 tuổi, đang phải điều trị dính buồng tử cung, một hệ quả của việc phá thai khi còn là học sinh. Năm 17 tuổi, chị H. mang thai ngoài ý muốn và phải đi phá khi thai đã được 13 tuần. Sau lần đó, chị và bạn trai chia tay, nhưng đến khi kết hôn nhiều năm sau, chị H. mãi không thấy có thai, đi khám bác sĩ cho biết chị khó có thể mang thai tự nhiên do hậu quả của việc phá thai trước đó.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, có nhiều trường hợp trẻ em gái đã trải qua nhiều lần nạo phá thai, thậm chí lên đến 10 lần. Điều này không chỉ làm tổn thương niêm mạc tử cung, mà còn dẫn đến tình trạng vô sinh và khó có thể mang thai tự nhiên về sau.
Niêm mạc tử cung có vai trò quan trọng giống như lớp đất màu mỡ để phôi thai có thể bám vào và phát triển. Sau mỗi lần phá thai, lớp niêm mạc này bị tổn thương và "bào mòn", làm giảm khả năng phôi thai làm tổ. Nếu phá thai nhiều lần, lớp niêm mạc có thể bị dính lại với nhau hoặc tạo ra sẹo, dẫn đến tử cung không đủ không gian và thể tích để mang thai. Thậm chí, nếu mang thai, khả năng bị sẩy thai hoặc sinh non là rất cao. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn gây ra những tổn thương tâm lý không nhỏ.
Theo bác sĩ Thành, nhiều phụ nữ đến bệnh viện sau khi kết hôn và không thể mang thai, họ mới nhận ra hậu quả của những lần phá thai trước đó. Sự mất mát cơ hội làm mẹ là một cú sốc lớn, đặc biệt đối với những người trẻ chưa từng nghĩ rằng phá thai có thể ảnh hưởng đến tương lai.
Ngoài các biến chứng về thể chất, phá thai ở tuổi vị thành niên còn dẫn đến những rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Nhiều em gái phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực như tội lỗi, lo lắng và trầm cảm sau khi phá thai. Thậm chí, một số trường hợp rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, cần phải điều trị tâm lý dài hạn.
Tầm quan trọng của giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản
Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm 2024 là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận lại vai trò của giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trong việc bảo vệ trẻ em gái, đặc biệt là trong độ tuổi vị thành niên. Tại Việt Nam, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu sót trong hệ thống giáo dục giới tính, cũng như việc thiếu sự quan tâm, đồng hành từ phía gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, việc giáo dục giới tính và trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái là rất cần thiết. Một trong những mục tiêu chính của giáo dục giới tính là giúp trẻ em gái hiểu rõ về quá trình sinh sản, cơ thể của mình, cách tự bảo vệ trước các nguy cơ có thể xảy ra. Hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, quá trình thụ thai, các biện pháp ngừa thai an toàn sẽ giúp các em gái tránh được những tình huống mang thai ngoài ý muốn.
Ngoài ra, giáo dục giới tính giúp trẻ em gái nhận thức rõ về quyền lợi của mình trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điều này bao gồm việc biết cách yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế, nắm bắt được những thông tin cần thiết và không bị cuốn vào các tình huống nguy hiểm hoặc thiếu kiến thức về vấn đề này.
Gia đình và nhà trường cần đóng vai trò chủ động trong việc cung cấp thông tin và hướng dẫn các em về tình dục an toàn, những hệ quả của việc quan hệ tình dục không an toàn và tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, cần có những chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái, giúp các em có kiến thức đúng đắn và chuẩn bị cho tương lai.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm 2024 không chỉ là dịp để tôn vinh quyền lợi của trẻ em gái trên toàn thế giới mà còn là cơ hội để chúng ta cùng hành động, bảo vệ tương lai của các em. Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và đảm bảo rằng các em gái được giáo dục và chăm sóc đúng cách sẽ giúp các em có cơ hội phát triển một cách toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần. Những bài học từ quá khứ, như câu chuyện của chị H. và những em gái đã phải trải qua những cuộc khủng hoảng về sức khỏe sinh sản, cần được xem xét nghiêm túc để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em gái tại Việt Nam và trên toàn thế giới.