Thiếu thốn trăm bề
Sau dịch COVID-19, chưa bao giờ ngành Y tế khó khăn đến vậy: Thiếu thuốc, vật tư y tế; áp lực công việc cao, thiếu nhân lực, đãi ngộ thấp, khiến nhân viên y tế hoang mang; mô hình tự chủ cũng khiến nhiều bệnh viện lớn lao đao… Bức tranh ngành Y tế là khó khăn chồng chất khó khăn.
Đầu năm 2023, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, nhiều máy móc đã bị hư hỏng, không thể sửa chữa do vướng mắc thủ tục. Thiếu máy móc, thiết bị, khiến nhiều người bệnh phải sang bệnh viện khác chụp chiếu, y bác sĩ phải làm việc hết công suất 24/24 giờ.
TS. BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Thời điểm trước khi Nghị định 07, Nghị quyết 30 được ban hành, trong khoảng 2 tuần, bệnh viện thậm chí không thể làm các thủ thuật như đặt stent cho bệnh nhân mạch vành, vì chỉ đủ số lượng “để dành”, đặt cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải cấp cứu”.
Theo Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy Phạm Thanh Việt, khi đó có tới 57% số vật tư y tế trong gói thầu bị vướng, do thiếu 3 bảng báo giá. Trước đây chỉ có 1/6 máy CT của bệnh viện hoạt động, chỉ phục vụ bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nội trú, bởi bệnh nhân cấp cứu, nội trú, bệnh nhân nặng không để chuyển đi nơi khác được. Nhân viên y tế buộc phải làm gần như liên tục và lãnh đạo bệnh viện cũng luôn trong tình trạng lo lắng vì nếu máy CT hỏng sẽ không biết xử lý theo hướng nào...
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như trong giai đoạn sau dịch COVID-19, khi các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, các máy chụp chiếu, siêu âm… thiếu trầm trọng. Trước năm 2020, toàn bộ những thiết bị này phần lớn là máy liên doanh, liên kết; đến khi các hợp đồng hết hạn và Thông tư về liên doanh, liên kết thời điểm đó bị bãi bỏ, bệnh viện rơi vào tình trạng không có cơ sở tái ký kết các hợp đồng, vì không có hướng dẫn cụ thể.
"Các bệnh viện tuyến dưới khi hết vật tư, thiết bị còn có cách là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến cuối. Nhưng với bệnh viện tuyến cuối, thì không thể và không biết chuyển bệnh nhân đi đâu, vẫn bắt buộc phải tiếp nhận tất cả các bệnh nhân được chuyển đến, trong bối cảnh điều kiện không đủ đáp ứng", đại diện Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), cơ sở vật chất của bệnh viện đã xuống cấp trầm trọng. Chia sẻ về những khó khăn bệnh viện đã từng gặp phải sau đại dịch COVID-19, BSCKII Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã gặp phải nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, nhất là tình trạng cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, đặc biệt là bác sĩ có tay nghề cao và đối mặt với tình trạng thiếu vật tư y tế, hoá chất xét nghiệm, cũng như một số loại thuốc để phục vụ cho người bệnh trong giai đoạn vừa qua.
Năm 2023, những khó khăn của ngành Y tế lên đến đỉnh điểm, các bệnh viện đều lên tiếng “kêu cứu”, nhiều bệnh viện tự chủ hoàn toàn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy đều xin rút khỏi tự chủ toàn diện, vì thu không đủ bù chi, nguồn lực không đủ giữ chân các y, bác sĩ. Việc thiếu hụt nguồn ngân sách Nhà nước khiến các bệnh viện không thể vận hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, năm 2023, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, từng bước giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vaccine, bảo hiểm y tế…
Kiên trì vượt qua
Khó khăn chồng chất là vậy, nhưng vẫn tinh thần nhẫn nại, với sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ toàn dân, ngành Y tế đã vào cuộc quyết liệt. Các bệnh viện tự tìm mọi cách để đứng vững, thậm chí phải “vá víu” để có thể đảm bảo tốt nhất công tác khám, chữa bệnh; giải quyết những thiếu thốn trước mắt.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Khi số lượng thiết bị y tế thiếu và khó khăn, bệnh viện đã tổ chức lại hoạt động khám, chữa bệnh cho phù hợp; động viên cán bộ, nhân viên 'đi sớm, về muộn', chia lại ca, kíp trực; thậm chí, các phòng khám bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng để tận dụng số máy móc hiện có. Bệnh viện cũng đã sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm và thực hiện các gói thầu mua tạm những thiết bị để có thể đảm bảo công tác khám, chữa bệnh”.
Bệnh viện Bạch Mai đã đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan xem xét, cấp ngân sách tạm thời để có thể mua được những thiết bị khẩn cấp phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Để có đủ vật tư, thiết bị, bệnh viện cũng phải tổ chức đấu thầu thường xuyên; thất bại lại tiếp tục tổ chức đấu thầu, để có thể duy trì đủ thuốc, đủ vật tư tiêu hao phục vụ người bệnh ở mức tối thiểu nhất.
Theo đại diện Bệnh viện Trung ương Huế, tình trạng khó khăn trong cung ứng thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh. So với các loại hàng hóa khác, công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc và hóa chất có nhiều đặc điểm riêng và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Hệ thống văn bản pháp luật, sự đáp ứng của thị trường và quy trình mua sắm của từng đơn vị. Trong thời điểm khó khăn đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã phải nắm bắt để chủ động lập kế hoạch, đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế. Trong năm 2023, Bệnh viện thực hiện được 56 gói thầu với tổng giá các gói thầu là 2.778 tỷ đồng. Nhờ vậy, tại Bệnh viện đã có bản đảm bảo được toàn bộ thuốc, vật tư y tế kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân.
Đặc biệt một dấu mốc quan trọng đã cởi trói cho các cơ sở y tế, đó là sự ra đời của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/3023 về việc tiếp tục các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế. Các cơ sở y tế đã được tháo gỡ kịp thời, giải quyết nhanh những khó khăn trước mắt.
Đó cũng là động lực để ngành y nỗ lực gỡ dần từng nút thắt, từ cơ chế, chính sách đến những hoạt động thiết thực, đổi mới hoạt động. Đến cuối năm 2023, nhiều khó khăn được giải quyết, các đơn vị dần phục hồi, thuốc, vật tư dần được giải quyết… đảm bảo công tác khám chữa bệnh.
Bài cuối: Những tín hiệu vui