"Tấn công" vào giới trẻ
Trong quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một nhóm 5-6 bạn trẻ trò chuyện rôm rả, trên tay ai cũng cầm một thiết bị thuốc lá điện tử có hình dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau, trông bắt mắt. Vừa nói chuyện, các bạn trẻ vừa rít thuốc, nhả ra những làn khói trắng, đủ mùi thơm của tinh dầu... Nhiểu khách hàng trong quán tỏ ra khó chịu, nhưng cũng nhiều người không để ý, vì mùi thơm khá dễ chịu, không khét như mùi thuốc lá điếu truyền thống...
“Thuốc lá điện tử có nhiều loại, có thể đặt mua online bất cứ lúc nào. Ai đã hút rồi dễ thành quen, đi đâu cũng phải mang theo, như điện thoại luôn gắn vào người... Lúc vui vui hút liên tục cũng dễ bị say, còn khi thiếu thì thấy thèm, muốn hút. Thuốc lá loại nào cũng đều có hại, nhưng hút thuốc lá điện tử như một thú vui cùng mọi người…”, một bạn trẻ chia sẻ.
Chỉ cần gõ từ khóa thuốc lá điện tử, vape, pod, tẩu thuốc… trên Google sẽ cho ra vô số kết quả các điểm bán công khai thuốc lá điện tử. Nhìn bản đồ dày đặc các điểm bán, có thể thấy, các sản phẩm này vô cùng phổ biến. Không khó để thấy hình ảnh các bạn trẻ, thanh niên, thậm chí phụ nữ, học sinh… hút thuốc lá điện tử ở nơi công cộng.
Các chuyên gia y tế đánh giá, thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Đáng quan ngại là các bạn thanh thiếu niên lại coi sản phẩm độc hại này như một thú vui sành điệu.
TS. Nguyễn Huy Nho, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 và phối hợp với Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá mới trong học sinh, tập trung vào nhóm từ 13-17 tuổi. Theo khảo sát, năm 2019, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 2,6% (trong đó học sinh nam là 3,62%, học sinh nữ là 1,53%); tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điếu là 2,76%. Tuy nhiên, năm 2023, con số sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tăng vọt lên là 8%, trong đó tỷ lệ ở học sinh nữ chiếm tới 4,3%...
Con số trên cho thấy, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2021-2023. “Chưa kể thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế liên tục ghi nhận các ca học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử có pha trộn chất ma túy. Các vụ việc đã được ghi nhận xảy ra trong trường học tại Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cho thấy tính chất nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn trường học và an ninh, trật tự an toàn xã hội”, TS. Nguyễn Huy Nho nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo: Chỉ riêng năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các triệu chứng ngộ độc, tổn thương phổi, đột quỵ não... Trước sự nguy hại của các loại thuốc lá mới, Bộ Y tế vừa có nghiên cứu và công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo đó, thuốc lá điện tử có thể gây các tác hại cấp tính như: Hút thuốc lá có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp, từ đó có thể dẫn đến tử vong (EVALI), ngộ độc do quá liều nicotin, ngộ độ các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử. Về lâu dài, hút thuốc lá điện tử có thể gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư, bệnh răng miệng... Phụ nữ mang thai hút thuốc lá điện tử có thể gây nguy hiểm cho thai nhi (gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh).
Đặc biệt, thuốc lá điện tử chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi; gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng… Với thuốc lá nung nóng, khói tỏa từ các sản phẩm thuốc này có thành phần rất giống với khói tỏa của thuốc lá điếu, có chứa nhiều chất độc có khả năng gây ra nhiều bệnh như: Hô hấp, tim mạch, ung thư; bệnh về hệ thần kinh, hệ sinh sản, trí não, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em, vị thành niên.
"Cuộc chiến mới"
Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành của Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đánh giá: “Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ. Đáng lo ngại, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ bằng cách thiết kế các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bắt mắt dưới dạng đồ chơi, thực phẩm, bánh kẹo hay những sản phẩm khác; sử dụng mạng xã hội và các sự kiện về phong cách sống để tiêm nhiễm rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm của giới trẻ; truyền bá quan niệm sai lầm rằng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới an toàn hơn thuốc lá truyền thống…”.
Tại Việt Nam, sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm xuống. Ở nam giới trưởng thành, tỷ lệ này giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm (ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019); tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, từ khi các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) xuất hiện, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này lại tăng vọt ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Trong khi đó, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá mới hiện dễ dàng, các sản phẩm này được bán ở khắp mọi nơi, khiến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, đáng ngại là hiện nay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Thành tựu của Việt Nam trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá có nguy cơ bị làm hỏng bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ.
“Vấn đề sử dụng thuốc lá mới đang là mối đe doạ ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Chắc chắn sẽ có những biến hình để làm vô hiệu hóa chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu không có biện pháp quyết liệt kịp thời, số người hút thuốc lá điện tử sẽ tăng nhanh thời gian tới”, ông Nguyễn Trọng Khoa lo ngại.
Bài cuối: Đề xuất các giải pháp ‘mạnh tay’