Ngành Y tế Lào Cai cùng các cơ quan liên quan nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để tổ chức khám chữa bệnh, giảm thiểu chi phí cho người bệnh.
Thiếu trước, hụt sau
Theo phản ánh của người dân, tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trước tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị cục bộ trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán, nhiều người đã phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế để chữa bệnh…
Khoa Hô hấp - Nội tiết của Bệnh viện Da khoa tỉnh Lào Cai mỗi ngày đón khoảng 40 bệnh nhân khám bệnh và 50 bệnh nhân nội trú. Khoa thiếu chủ yếu các loại thuốc huyết áp, tiểu đường; các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm máu, tiểu đường. Hiện tại, khoảng 50% bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa phải mua thêm thuốc để chữa bệnh. Bà Bùi Thị Tơ (thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) đã nhập viện được 10 ngày để điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường. Bà Tơ cho biết, không chỉ phải mua thuốc kháng sinh, bà còn phải mua thuốc trị đau đầu và mua máy test, que test tiểu đường do Bệnh viện đang thiếu các loại vật tư y tế này.
Cách đây khoảng một tuần, ông Hoàng Thông Tài (xã Nậm Rạng, huyện Văn Bàn) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để điều trị chấn thương chân. Trong thời gian điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương, ông Tài rất bất ngờ khi các bác sĩ, y tá cho biết vì thiếu vật tư y tế nên tư vấn gia đình mua nẹp đinh, nẹp vít... Tương tự, anh Hoàng Văn Biểu (xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên) nhập viện được 3 ngày điều trị chấn thương do gãy xương cẳng chân. Gia đình anh chấp nhận trả tiền mua vật tư y tế để điều trị tại chỗ thay vì chuyển tuyến theo tư vấn của bác sỹ. Anh Hoàng Văn Biểu cho biết, khi được các bác sỹ tư vấn, gia đình anh rất chia sẻ với khó khăn của ngành Y tế song anh rất mong tình trạng này sớm được khắc phục để giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo thuận lợi cho người bệnh.
Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, tình trạng khan hiếm thuốc cục bộ trên địa bàn xảy ra ở một số chủng loại thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, vị thuốc cổ truyền... Các nguyên nhân khách quan được xác định do ảnh hưởng từ dịch bệnh, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia... Thêm nữa, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa xác định rõ về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị được giao tự chủ về tài chính. Vì vậy, việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Lào Cai bị chững lại. Các đơn vị chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.
Cũng theo đại diện Sở Y tế tỉnh Lào Cai, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc tại địa phương là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số đơn vị y tế. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.
Đơn cử, Viện Y học cổ truyền tỉnh Lào Cai đã tổ chức gói thầu mua vị thuốc y học cổ truyền phục vụ khám bệnh, chữa bệnh trong tháng 6/2022 thế nhưng không có nhà thầu có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia, do vậy đã phải hủy bỏ gói thầu này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai tỉnh đang tổ chức gói thầu mua sắm thuốc tại đơn vị, song theo dự kiến cũng chỉ trúng thầu được khoảng 60% số mặt hàng, do các mặt hàng khác không có nhà thầu tham dự hoặc giá cao hơn so với giá kế hoạch. Việc tự tổ chức thực hiện đấu thầu tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn do thủ tục đầu thấu gồm nhiều bước, các đơn vị chưa có đủ nhân lực có kinh nghiệm trong công tác tự thực hiện thầu...
Linh hoạt trong tổ chức khám, chữa bệnh
Để khắc phục tình trạng khan hiếm cục bộ thuốc và vật tư y tế, ngành Y tế tỉnh Lào Cai và đặc biệt là các bệnh viện triển khai linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp đón và thăm khám cho trên 800 lượt người. Khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu một số danh mục thuốc trong điều trị hô hấp, bệnh mãn tính… các đơn vị đã linh hoạt chuyển đổi, thay thế sang thuốc khác có cùng hoạt chất, công dụng, đảm bảo người bệnh ngoại trú đến thăm khám theo định kỳ đều có thuốc để điều trị bệnh.
Bà Trần Thị Hằng, tổ 9, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai cho biết: Sau khi mắc COVID-19, tôi sốt, mệt, đi khám phát hiện cao huyết áp. Các bác sĩ giải thích là có loại thuốc thông dụng hơn nhưng bệnh viện đang hết, kê cho thuốc này có cùng tác dụng, về uống sau 1 tháng tái khám.
Trong thời gian đợi đấu thầu các gói thuốc, vật tư y tế lớn của Trung ương, địa phương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã xin chủ trương của UBND tỉnh, Sở Y tế mua các gói thầu nhỏ 3 tháng, 6 tháng, đảm bảo không để thiếu các loại thuốc, vật tư y tế thiết yếu, cơ bản đủ thuốc dùng trong cấp cứu cho người bệnh.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng tăng đột biến. Cao điểm có ngày Bệnh viện tiếp đón, thăm khám cho trên 600 lượt người, điều trị nội trú cho gần 350 bệnh nhân. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, bác sĩ Đinh Việt Hùng cho biết, do dự báo được tình hình bệnh nhân đông dẫn đến khan hiếm thuốc, vật tư y tế sau đại dịch COVID-19, năm 2021, ngoài mua 100% thuốc thiết yếu, Bệnh viện đã chủ động mua thêm 20% thuốc theo quy định để đáp ứng, đảm bảo khám, chữa bệnh trong những tháng đầu năm 2022. Bệnh viện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu để đảm bảo đủ thuốc trong 6 tháng cuối năm và năm 2023.
Trước tình trạng khan hiếm cục bộ thuốc và vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo cơ sở tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh bảo hiểm y tế theo quy định, không để người bệnh phải tự chi trả các khoản chi phí trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai Đường Minh Tấn cho biết, đơn vị phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở tổ chức thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế cung ứng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu tập trung cấp địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua thuốc bằng nhiều hình thức khác đúng quy định như mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu… theo hướng dẫn của Sở Y tế để bảo đảm bệnh nhân không phải tự túc tiền thuốc. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã phân công cán bộ bảo hiểm y tế khẩn trương phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời phê duyệt ngay danh mục thuốc bảo hiểm y tế trên hệ thống phần mềm theo đề nghị của các bệnh viện khi đã có kết quả mua sắm, đấu thầu.