Được triển khai từ tháng 8/2024 đến ngày 31/12/2026 với tổng kinh phí hơn 1,05 triệu USD, Dự án nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Địa điểm thực hiện Dự án được xác định là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó tập trung vào các địa phương: Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Dương, Đắk Nông và Hà Nội.
Dự án tập trung vào 4 lĩnh vực: Tăng khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và bình đẳng giới cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương; thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong quá trình thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương; tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thích ứng hiệu quả với già hóa dân số; hỗ trợ kỹ thuật và quản lý dự án nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả và đạt được các chỉ tiêu.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm, trong quá trình triển khai Dự án, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Trung ương Đoàn, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai, giám sát hiệu quả việc thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật về thanh niên; triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện thanh niên Việt Nam, đặc biệt là các thanh niên dễ bị tổn thương.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, Dự án đặt mục tiêu tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển thanh niên, trong đó tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính; xây dựng cơ chế thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các chính sách và chương trình ứng phó những tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng về thiên tai và dịch bệnh... Đặc biệt, Dự án sẽ do thanh niên làm chủ, gồm các hoạt động phù hợp với định hướng ưu tiên của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, thực trạng, nhu cầu về phát triển thanh niên của Việt Nam trong những năm tới.
“Bằng những hình thức sáng tạo, UNFPA Việt Nam hy vọng sẽ nhận được nhiều kết quả mang tính đột phá, đặc biệt là trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong mẹ, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chất lượng cao dành cho thanh niên. Trong đó, bao gồm thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật và có HIV/AIDS, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong việc chăm sóc người cao tuổi và lên kế hoạch hiệu quả cho tuổi già", Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam Matt Jackson khẳng định.