PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, tập thể Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong 5 năm qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều sáng kiến mang tính đột phá, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống khám, chữa bệnh và cải tiến chất lượng bệnh viện.
Cục đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, đưa “văn hóa chất lượng” vào từng bệnh viện, đưa cải tiến chất lượng đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực như hiện nay.
Các sáng kiến tiêu biểu như đề xuất xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện (Bộ 83), thiết lập hệ thống quản lý chất lượng từ trung ương đến các bệnh viện, tiến tới thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo mức chất lượng.
“Với quan điểm chủ đạo “Lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn người bệnh là số 1”, Bộ 83 tiêu chí đã có sự lan tỏa lớn, được các bệnh viện trên toàn quốc triển khai áp dụng. Nhiều bệnh viện đã coi Bộ 83 tiêu chí là “kim chỉ nam”, là công cụ không thể thiếu giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ tiêu chí có tính sáng tạo, tiếp cận nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từng bước, rất phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết.
Chính vì vậy, sau 5 năm triển khai, về cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những thay đổi tích cực, hết sức rõ rệt, từ người bảo vệ đến điều dưỡng, bác sỹ, giám đốc; từ cổng bệnh viện đến khoa khám bệnh, buồng bệnh, phòng mổ… kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa. Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế được từng bước nâng lên.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tham mưu, chủ trì và phối hợp với các Vụ, Cục xây dựng nhiều đề án cấp Chính phủ và cấp Bộ Y tế như đề án giảm quá tải bệnh viện, đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình, nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật của 28 bệnh viện hạt nhân cho 143 bệnh viện vệ tinh ở 10 chuyên khoa đang quá tải, qua đó nhiều kỹ thuật đã có thể thực hiện được ở tuyến dưới không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Hiệu quả kinh tế - xã hội từ việc cải tiến chất lượng hết sức rõ rệt. Đa số các bệnh viện tuyến cuối đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép. Với việc cải tiến quy trình khám bệnh, hàng triệu giờ công lao động đã được tiết kiệm. Riêng việc liên thông xét nghiệm cũng giúp tiết kiệm khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm.
Việc đưa nội dung “Nuôi con bằng sữa mẹ” vào đánh giá chất lượng bệnh viện là sáng kiến mang tính lan tỏa trên toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới. Các kinh nghiệm của Việt Nam đã được chia sẻ cho Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và nhiều nước.
Việc thiết lập hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế trên toàn quốc bằng phần mềm trực tuyến cũng là một sáng kiến tiêu biểu, có tính sáng tạo, đột phá lớn không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới. Hiện nay, mới chỉ có Việt Nam thiết lập được hệ thống khảo sát hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế ở cấp quốc gia, trong khi rất ít nước làm được điều tương tự, kể cả những nước tiên tiến nhất như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật... Hàng triệu phiếu khảo sát hài lòng được thực hiện trên phần mềm trực tuyến. Ngành y tế cũng là ngành tiên phong trong việc khảo sát ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, góp ý hàng trăm nghìn đoàn viên công đoàn là các nhân viên y tế ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Những nỗ lực của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã góp phần xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh ngày một tốt hơn, hình ảnh người thầy thuốc đẹp hơn; góp phần xây dựng đất nước đẹp giàu, giống nòi ngày càng khỏe mạnh hơn.