Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, hiện toàn tỉnh có gần 230 cán bộ chuyên môn khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 8/8 Trung tâm Y tế tuyến huyện đều có Khoa Y học cổ truyền; 103 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 4 phòng khám đa khoa khu vực có cán bộ làm công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại.
Từ năm 2010 đến nay, Lai Châu cử đi đào tạo 21 bác sĩ y học cổ truyền và 8 bác sĩ chuyên khoa I y học cổ truyền. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền, nhất là tuyến xã còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn y học cổ truyền của tỉnh còn thiếu; đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về dược liệu chủ yếu là kiêm nhiệm.
Về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các Dự án Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn ADB, Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản đảm bảo cơ sở pháp lý; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở. Trong đó, nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã phân bổ 100% kế hoạch vốn Trung ương giao đến các đơn vị. Với nguồn vốn chương trình ADB, Lai Châu được giao trên 61,1 tỷ đồng; riêng vốn giao năm 2023 gần 30,6 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay tỉnh chưa thực hiện được.
Về công tác triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (lĩnh vực y tế) tổng kinh phí Trung ương cấp cho tỉnh là 143 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện giải ngân 23,5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu đề xuất Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ có các chính sách ưu đãi về nuôi trồng, kinh doanh dược liệu; có chính sách ưu đãi việc nghiên cứu, kế thừa và nghiên cứu ứng dụng Y học cổ truyền với y học hiện đại; ưu tiên phân bổ kinh phí đầu tư cho công tác y dược cổ truyền. Bộ Y tế tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện Dự án đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn ADB; kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành giải ngân nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024.
Các thành viên trong Đoàn công tác đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của Lai Châu về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn ADB; công tác đào tạo nhân lực và tăng cường nhân lực cho y học cổ truyền.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải mong muốn, Bộ Y tế quan tâm, nhất là về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh Y học cổ truyền. Đồng thời, Bộ hỗ trợ Lai Châu bảo tồn nguồn gen, nuôi trồng, phát triển vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những kết quả tỉnh Lai Châu đã đạt được thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030; đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động y học cổ truyền. Tỉnh rà soát lại và có đề án cụ thể, chi tiết về phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế của tỉnh, trong đó lưu ý tập trung cho cây Sâm Lai Châu; gắn phát triển Y học cổ truyền với phát triển du lịch.
Đối với nguồn nhân lực, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo nghiên cứu hỗ trợ Lai Châu đào tạo nguồn nhân lực cho Bệnh viện Y học cổ truyền đủ điều kiện đáp ứng nâng cấp hoạt động lên 100 giường. Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lai Châu xem xét, rà soát để báo cáo Chính phủ vận dụng nguồn để bố trí một cách phù hợp cho tỉnh hoặc bố trí thực hiện trong giai đoạn trung hạn.