Đồ uống có cồn cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư khác. Ảnh: TTXVN |
Nghiên cứu cho thấy uống một cốc bia hoặc một cốc rượu 2 tuần/lần có thể làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến tới 10%, trong khi mặc dù chỉ dùng một lượng rất ít - trung bình khoảng 1,3 gram cồn/ngày - nguy cơ mắc bệnh tăng khoảng 8%.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu về đồ uống có cồn thuộc Đại học Curtin, Tanya Chikritzhs, cho biết nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến có thể có ngay ở lần uống đồ có cồn đầu tiên, thậm chí chỉ với nửa cốc.
Theo ông Chikritzhs, với việc tiêu thụ đồ uống có cồn từ mức 10 ngày/lần đến mức 2 lần/ngày, nguy cơ mắc bệnh tăng khoảng 8% so với những người chưa uống lần nào loại đồ uống này. Nếu uống từ 5 lần/ngày trở lên, nguy cơ mắc bệnh tăng 18%.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Curtin ở Đông Australia khẳng định có "mối liên quan rõ ràng" giữa uống một lượng vừa phải đồ uống có cồn với căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến, nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 3.000 người Australia mỗi năm.
Theo ông Chikritzhs, nghiên cứu này sẽ khuyến khích các chuyên gia y tế xem xét lại quan điểm về việc tiêu thụ đồ uống có cồn với liều lượng thấp.
Ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh phổ biến đối với nam giới ở Australia và là nguyên nhân lớn thứ 5 gây tử vong trên toàn thế giới.
Đồ uống có cồn cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư khác như ung thư miệng, vòm họng, gan, ruột kết, trực tràng, có thể ung thư dạ dày, ung thư vú và hiện nay có thể cả ung thư tiền liệt tuyến.