Dễ diễn tiến nặng
Cách đây không lâu, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mắc trầm cảm sau sinh và diễn biến nặng tới gần 5 năm. Theo đó, sau khi sinh con thứ 2, người phụ nữ này bắt đầu sống khép kín, không muốn nói chuyện với chồng và thờ ơ chăm sóc con, tự giam mình trong phòng không ăn uống suốt một tháng. Sau khi đi khám và được chẩn đoán mắc trầm cảm hướng dẫn điều trị, bệnh nhân được về nhà. Tuy nhiên thời gian sau đó, bệnh nhân này lại bỗng nhiên nằm bất động như người liệt, không chịu ăn uống, phải ăn bằng đường xông, vệ sinh cá nhân phải có người phục vụ, chỉ thường phát bệnh vào những tháng đầu năm, những tháng cuối năm lại tự khỏi ngồi dậy. Các bác sĩ cho biết, tình trạng của bệnh nhân đã nặng và điều trị cũng khá khó khăn.
Thậm chí, vừa qua sự việc nữ sinh viên sinh con xong liền vứt con từ tầng cao chung cư xuống đất, khi người dân phát hiện thấy thai nhi đã tử vong khiến một số người liên tưởng đến hiện tượng trầm cảm sau sinh.
TS.BS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: Thông thường, một tuần sau sinh, phụ nữ hay có cảm giác buồn, rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân. Cảm xúc này thoáng qua và sẽ hết nếu được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, đặc biệt là người chồng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ ba sau đẻ), chị em rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều. Nếu không điều chỉnh được những biểu hiện này trong một tuần, bệnh sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh.
Cũng theo BS. Phương,thời điểm phát sinh bệnh này là sau khi đẻ khoảng 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng. Đa số bệnh nhân biểu hiện loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng, nặng hơn, nhiều mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát khi mắc căn bệnh này.
Đang lo ngại là tỷ lệ phụ nữ đối mặt với nguy cơ trầm cảm sau sinh khá cao, bởi giai đoạn sau sinh trở là giai đoạn khá nhạy cảm, dễ tổn thương. Ngoài các trường hợp nặng phải nhập viện, không ít các trường hợp nhẹ hơn hoặc tự bệnh nhân cảm nhận và vượt qua được.
Theo BS. Nguyễn Thu Giang, PGĐ Trung tâm Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng, một số thống kê của các bệnh lớn cho thấy có khoảng 15% phụ nữ sau sinh trong vòng 3 tháng đầu có dấu hiệu về trầm cảm sau sinh; nếu tính thời gian kéo dài đến 12 tháng sau sinh thì tỷ lệ này cao hơn, lên tới 25%. Tuy tỷ lệ này chưa phản ánh được hết vì các dấu hiệu về trầm cảm sau sinh vẫn còn phải bàn cãi nhưng điều này cho thấy căn bệnh này không hiếm gặp mà nó là vấn đề tương đối phổ biến, chỉ có các biểu hiện không thật sự rõ ràng nên việc phát hiện không dễ.
Cần phát hiện sớm và hỗ trợ tâm lý tích cực
Một số biểu hiện của trầm cảm sau sinh ở giai đoạn nhẹ thường là cảm giác buồn chán, khó kiểm soát cảm xúc hay thoáng xuất hiện những cảm nghĩ tiêu cực… Đây là thời điểm cần ngay lập tức có sự hỗ trợ của chuyên gia, các thầy thuốc, người thân trong gia đình; nhất là trong trường hợp xuất hiện các ý định tự tử hay hủy hoại bản thân, hủy hoại mọi người xung quanh.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dễ gây ra trầm cảm sau sinh là: Stress, tiền sử trong gia đình có người bị trầm cảm, các bệnh về tâm thần và thần kinh từ trước của bà mẹ; bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: Thiếu ngủ, ăn uống kém, sự khó khăn trong nuôi con, thiếu sự hỗ trợ của người thân, biến chứng trong quá trình sinh nở…
Về yếu tố sinh học, khi người phụ nữ có thai và sinh đẻ bao giờ cũng đi kèm với sự thay đổi đột ngột các hooc môn trong cơ thể và sự thay đổi này đã tác động lên các cơ quan điều hoà cảm xúc. Bên cạnh đó, sự ra đời của đứa trẻ được coi như là một sự kiện tâm lý đặc biệt đối với hầu hết các bà mẹ trẻ; việc thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, lo toan chăm sóc suốt 24/24 giờ gây quá sức, kiệt sức đi kèm với thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi… tạo nên các yếu tố stress gây căng thẳng tâm lý.
Để giảm thiểu tình trạng trầm cảm sau sinh, theo BS. Giang, phương pháp đứng đầu là không để phụ nữ đơn độc, đừng để họ cảm thấy tuyệt vọng. Sau sinh phụ nữ cũng cần chú ý đến việc kiểm soát sự sụt giảm của lượng hooc môn, nội tiết cũng như kiểm soát tình trạng cơ thể để có thể hồi phục nhanh chóng. Đặc biệt việc có kiến thức đầy đủ để phát hiện sớm các biểu hiện là một cách có thể giải quyết và phòng tránh được các hệ lụy có thể xảy ra do trầm cảm sau sinh.
“Người phụ nữ trước khi sinh nên chuẩn bị trước tinh thần là sau sinh họ sẽ có những giai đoạn bị sụt giảm nội tiết và hãy coi đó như một vấn đề sức khỏe mà mình cần phải khắc phục, hãy coi đó như một vấn đề tâm lý cần phải đối mặt. Thậm chí đã có nhiều người biết tìm đến những phương pháp sớm như: Thăm khám sau sinh một cách thường xuyên, nhất là giai đoạn 6 tuần sau sinh là thời kỳ hậu sản; trong giai đoạn này có thể chia sẻ với bác sĩ những hiện tượng tự mình nhận thấy vì hơn ai hết phụ nữ chính là người nhận ra những dấu hiệu sớm và cần chia sẻ với người thân, thầy thuốc. Việc chủ động chia sẻ với người khác cũng là biện pháp giúp là giảm đi các vấn đề tâm lý của phụ nữ sau sinh”, BS. Giang chia sẻ.