Giải đáp các băn khoăn
Hiện nay Bộ Y tế đã có kế hoạch về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; vừa qua Bộ cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em tại các địa bàn theo các nhóm tuổi để đề xuất nhu cầu vaccine cho các nhóm tuổi này.
Theo Bộ Y tế, việc tiêm vaccine cho trẻ em sẽ theo lộ trình tiêm cho lứa tuổi từ cao đến thấp, nhóm tuổi từ 16 - 17 tuổi sẽ được tiêm trước và hạ dần độ tuổi.
Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, hiện nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại vì các vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều là vaccine được cấp phép khẩn cấp, chưa có đủ thời gian để đánh giá tính an toàn với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Về những lo ngại khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Đã có rất nhiều băn khoăn từ các bậc phụ huynh về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em hay không? Nhiều người cũng tỏ ra khá lo ngại, và điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Trẻ em có sự khác biệt so với người lớn. Mọi bộ phận, cơ quan trong mỗi đứa trẻ đang ở giai đoạn phát triển và cần thời gian để hoàn thiện. Vì vậy, mọi thứ tác động đến cơ thể trẻ đều phải rất cẩn thận và hết sức cân nhắc. Đặc biệt với vaccine lại càng phải cẩn thận hơn”.
Tuy nhiên, BS. Trần Văn Phúc cũng cho rằng, vaccine được phát triển là để phòng bệnh, cứu người. Từ khi vaccine ra đời, nó đã cứu loài người khỏi rất nhiều thảm họa dịch bệnh. Trong lịch sử nhân loại cũng chưa có loại vaccine nào sinh ra lại có hại với trẻ em.
Theo đó, quan sát thời gian qua cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 rất thấp và tỷ lệ tử vong vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, xác định sống chung với dịch thì tác động của COVID-19 với trẻ em sẽ lớn hơn rất nhiều và tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong ở trẻ có thể sẽ tăng lên khá cao. Đây là lý do các nước trên thế giới phải đặt ra vấn đề cần phải tiêm vaccine cho trẻ em và Việt Nam cũng nghĩ đến việc tiêm vaccine để trẻ được đến trường.
“Với vaccine phòng COVID-19, tôi tin rằng các nhà sản xuất đã nghiên cứu để đảm bảo an toàn và lợi ích cứu trẻ em khỏi bệnh dịch cao hơn rất nhiều so với các tác dụng phụ mà các bậc phụ huynh đang lo ngại có thể ảnh hưởng trước mắt và cả sau này”, BS. Trần Văn Phúc nêu quan điểm.
Nên tiêm trước cho trẻ có bệnh nền
Cũng nêu quan điểm về vấn đề tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Nếu Việt Nam có vaccine phòng COVID-19 về nhiều và có loại phù hợp, an toàn để tiêm cho trẻ em thì sẽ giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh và hạn chế sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ cần tiêm vaccine cho những trẻ có bệnh lý nền trước, chưa cần thiết tiêm đại trà cho trẻ em.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, thực tế qua các đợt dịch cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp, phần lớn trẻ mắc có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng bệnh. Chỉ riêng những trẻ có sẵn bệnh lý nền như: Bệnh tim, béo phì… thường bị nặng khi mắc COVID-19. Vì vậy, chỉ cần tiêm sớm vaccine phòng COVID-19 cho những trẻ có bệnh lý nền.
Theo đó, hiện Việt Nam chưa có nhiều vaccine phòng COVID-19, vì vậy chúng ta cần tận dụng tiêm phủ cho đối tượng là người lớn, tạo miễn dịch cộng đồng. Trẻ em cũng sẽ được bảo vệ khi tất cả người lớn xung quanh đều đã tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu tập trung dồn vaccine tiêm cho trẻ em thì nhiều tỉnh, thành lại có thể thiếu vaccine để tiêm cho người lớn.
“Đặc biệt, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có loại vaccine phòng COVID-19 nào được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để dành riêng tiêm cho trẻ em. Trong khi trẻ em cần loại vaccine được sản xuất với liều lượng phù hợp, có nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với từng lứa tuổi cụ thể. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn nên cẩn trọng hơn, chưa vội tiêm vaccine COVID-19 đại trà cho trẻ nhỏ”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Với những trẻ chưa được tiêm vaccine nếu đi học trở lại, chuyên gia cũng khuyến cáo trong gia đình người lớn cần được tiêm chủng đầy đủ, tạo môi trường an toàn cho trẻ. Đặc biệt cả người lớn và trẻ cần nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm túc quy định 5K.
Cha mẹ cũng hạn chế không nên đưa trẻ đến những nơi quá đông người nếu khu vực đó tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch tại trường học.