Chủ trì tại điểm cầu Trung tâm là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Buổi hội chẩn từ xa còn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại địa điểm cách ly.
Thông tin tại buổi hội chẩn cho biết, hiện trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có 30 trường hợp tiên lượng nặng. Trong số này có 15 bệnh nhân rất nặng, nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong cao.
Tại điểm cầu Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, các bác sĩ điều trị cho biết, trong số 131 bệnh nhân đang điều trị tại đây có 10 bệnh nhân rất nặng (trong đó 7 bệnh nhân thở máy), trong số này có 5 bệnh nhân rất nặng nguy cơ tử vong cao. Tại buổi hội chẩn, các bác sỹ điều trị đã xin ý kiến Hội đồng chuyên môn về 5 bệnh nhân này.
Đó là bệnh nhân 763 suy thận mạn, đã ghép thận từ năm 2012 và dùng thuốc thải ghép. Hiện bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi. Bệnh nhân 758 (34 tuổi) suy thận mạn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi, nguy cơ tử vong gần, bệnh nhân suy kiệt.
Bệnh nhân 827 tiền sử tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người trái, suy thận mạn. Bệnh nhân 888 tiền sử thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm phổi, xuất huyết tiêu hoá, nhiễm trùng gia tăng. Bệnh nhân 761 (83 tuổi), tiền sử suy thận mạn, điều trị thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ, dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 3/8, xuất huyết tiêu hoá, hiện suy kiệt nặng chỉ có 35kg.
Thông tin tại buổi hội chẩn cũng cho biết, bệnh nhân 453 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã thở máy liên tục trong một tháng, hiện tiên lượng rất nặng nhưng đã khỏi COVID-19. Các chuyên gia đang xem xét chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị bệnh nền. Về các ca bệnh này, các chuyên gia ở các điểm cầu đã cùng thảo luận, đưa ra phương án điều trị, sử dụng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân với phương châm nỗ lực tối đa vì sức khoẻ người bệnh.
Bác sĩ chuyện khoa II Trần Thanh Linh cho biết, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có 3 bệnh nhân nặng cần hội chẩn. Trong đó bệnh nhân 416 vẫn đang duy trì ECMO, thở máy và xơ phổi rất nhiều. Bệnh nhân đã nằm viện 31 ngày, tiên lượng điều trị lâu dài và khó khăn vì có nhiều bệnh nền, các thông số không đáp ứng và phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Bệnh nhân 742 bị suy tim, ECMO ngày thứ 13; bệnh nhân 996, 28 tuổi, bị bạch cầu cấp, khó thở tăng nhiều, lọc máu liên tục.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ca bệnh 793, 58 tuổi cũng đang diễn biến nặng và được Hội đồng chuyên môn Hội chẩn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình cho biết đây là buổi hội chẩn có nhiều bệnh nhân nặng và các chuyên gia đều nỗ lực hết mình để tìm phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, không có công thức điều trị cho các bệnh nhân mà các bác sĩ cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi bệnh nhân để điều chỉnh việc sử dụng thuốc và các chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng phù hợp.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình cũng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục quản lý Dược phối hợp với các bệnh viện đưa ra các giải pháp để kịp thời nhập các thuốc theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng.
Theo Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này , số ca tử vong ở nước ta là 27 trường hợp. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...