Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngày 22/1, có một chuyến bay từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đến Đà Nẵng, chở theo 218 hành khách. Hiện những vị khách này lưu trú tại Đà Nẵng đến hết ngày 25/1. Từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành khác của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã thông báo cho các khách sạn kịp thời báo cáo cho Sở Y tế khi phát hiện khách du lịch có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Bà Hạnh mong muốn thành phố Đà Nẵng cần thiết lập đường dây nóng, giúp các khách sạn liên lạc với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
Bàn về biện pháp phòng chống bệnh dịch, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Kim Yến cho hay, sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, Sở Y tế thành phố đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, hệ thống xét nghiệm và các phương án sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Đồng thời, Sở cũng ban hành kế hoạch hành động, quy trình giám sát xử lý dịch bệnh nhóm A và các bệnh nguy hiểm truyền nhiễm xâm nhập vào thành phố Đà Nẵng.
Theo bà Yến, ngày 14/1, trước hai trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh được phát hiện tại Việt Nam qua cửa khẩu cảng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Sở đã xử lý kịp thời, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân âm tính với chủng virus corona. Tính đến 10 giờ ngày 24/1, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Trước tình trạng dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng các quy trình tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ: Hiện bệnh viện đang bố trí tầng 4 của khoa Y học nhiệt đới để tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Nếu số lượng bệnh nhân tăng lên, các bệnh nhân của khoa Y học nhiệt đới sẽ được chuyển qua các khoa khác và dành riêng khoa Y học nhiệt đới cho công tác điều trị, phòng chống dịch. Ngoài ra, bác sĩ Lê Đức Nhân đề xuất thành phố cần bố trí một trung tâm hoặc một bệnh viện tách riêng để triển khai công tác điều trị nếu bệnh nhân tăng cao.
Để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã bố trí vị trí đỗ biệt lập cho các chuyến bay từ Vũ Hán đến. Tại ga hành khách tầng hai, đơn vị bố trí 2 phòng cách ly với diện tích 35 m2; nhà ga tầng 1 sắp xếp thêm vị trí dự phòng nếu nhà ga tầng 2 quá tải.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan; tiếp tục tăng cường rà soát toàn bộ quy trình phòng chống dịch. Đặc biệt, các đơn vị liên quan cần chú ý giám sát tại các cửa khẩu, thực hiện quy trình phòng chống dịch chặt chẽ; Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố phải luôn đặt trong tình trạng báo động, kịp thời xử lý dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Y tế rà soát, triển khai phương án chọn một bệnh viện riêng biệt để điều trị bệnh nhân khi số bệnh nhân tăng cao; đồng thời giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nghiên cứu cần cấm thị trường nào, thành phố nào hay đường bay nào đến Đà Nẵng.
Tại An Giang, chiều ngày 24/1 (tức 30 Tết), Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Từ Quốc Tuấn cho biết, sau khi nhận được công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Sở Y tế tỉnh An Giang đã ban hành công văn khẩn gửi đến các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tỉnh An Giang giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tiến hành kiểm tra, giám sát thân nhiệt của hành khách nhập cảnh vào An Giang, bên cạnh đó, chuẩn bị mọi phương tiện, thiết bị y tế để xử lý khi phát hiện trường hợp bất thường, nghi mắc bệnh.
Đối với Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc, Bệnh viên đa khoa khu vực Tân Châu và Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang cần thành lập đội phản ứng nhanh nội viện và ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nếu phát hiện ca nghi mắc bệnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, khách quốc tế đến tỉnh An Giang không nhiều, chủ yếu là quá cảnh tại Campuchia khá lâu rồi mới qua Việt Nam. Nhưng để chủ động ứng phó, tại hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, ngành y tế An Giang đã bố trí máy kiểm soát thân nhiệt đối với các hành khách quốc tế đến An Giang. Đặc biệt, chú ý đến các hành khách đến hay có quá cảnh qua các khu vực có nguy cơ hoặc đang xảy ra dịch bệnh.
Còn tại các Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc, Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu và Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, công tác ứng phó nếu phát hiện dịch bệnh cũng được chuẩn bị chu đáo; các bệnh viện đều đã thành lập khu cách ly, phân công nhân sự sẵn sàng khi phát hiện dịch bệnh.
Tại Cần Thơ, ngày 24/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cũng đã gửi công văn đến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, đề nghị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV.
Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách vào Việt Nam (inbound) cần tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng, chống lây nhiễm do vi rút nCoV; kịp thời báo cáo và tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ốm sốt, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm vi rút nCoV; thông tin, hướng dẫn cán bộ, nhân viên và người lao động có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây nhiễm nếu có trường hợp phát sinh liên quan đến khách du lịch.
Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách đi nước ngoài (outbound): Không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế; có biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV cho khách du lịch khi đi du lịch nước ngoài; đồng thời, hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến khách du lịch để khách chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh; lưu ý hướng dẫn viên du lịch tăng cường theo dõi đảm bảo sức khỏe của khách du lịch đi tour, thông tin kịp thời đến các cơ quan y tế sở tại và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài khi khách du lịch có vấn đề về sức khỏe, nhất là các triệu chứng liên quan đến vi rút nCoV.
Đối với các cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch: Thường xuyên cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh liên quan đến khách du lịch; tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, cơ quan y tế dự phòng và sớm có các phương án phòng, chống, cách ly, xử lý cụ thể nếu có trường hợp phát sinh lây nhiễm dịch bệnh qua đường du lịch hoặc trong cộng đồng dân cư, đảm bảo tuyệt đối an toàn, sức khỏe cho khách du lịch, người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Khi có phát hiện khách du lịch có các triệu chứng liên quan đến vi rút nCoV, doanh nghiệp và người dân cần báo gấp về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp xử lý, thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0888177666.
Tại Đồng Tháp, theo nhận định của bác sỹ Trần Văn Hai – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, nguy cơ lây truyền virus corona vào Đồng Tháp hiện ở mức độ trung bình, tuy nhiên tỉnh cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Trong cuộc họp khẩn trực tuyến của Sở Y tế tỉnh với tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh vào ngày 24/, đa số các trung tâm y tế cho biết, các đơn vị đều đã xây dựng được các lực lượng đáp ứng nhanh, đội cấp cứu lưu động, bố trí phòng cách ly. Tuy nhiên, đối với các trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch như mũ, áo choàng, ủng, khẩu trang... số lượng còn rất ít, cần được bổ sung để đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, mặc dù khả nhân tiếp nhận bệnh cũng như nguồn nhân lực đội ngũ y, bác sỹ có khả năng đáp ứng tốt nhưng chưa được trang bị các thiết bị phòng dịch, nên xin ý kiến của đơn vị quản lý trang bị thêm. Mặt khác, các đơn vị rất cần quy trình vận chuyển bệnh, nếu phát hiện trường hợp nhiễm bệnh.
Bác sỹ Trần Văn Hai cho biết, đơn vị đã quán triệt tinh thần phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ với các biểu hiện sốt, ho, khó thở ngay từ cơ sở; đồng thời, hình thành đội đáp ứng nhanh, hướng dẫn cho các đội ngũ y, bác sỹ cách lấy mẫu và sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở nếu cần. Bên cạnh đó, Trung tâm đang tiến hành rà soát hóa chất, dược phẩm, phương tiện phòng hộ… và sẽ hỗ trợ khi cần thiết.
Theo ông Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nếu phát hiện cá nhân có dấu hiệu bệnh cần được xác định, chẩn đoán chính xác để có sự phân tuyến để điều trị cho hiệu quả “chứ không phải bất kỳ trường hợp có biểu hiện bệnh đều chuyển lên tuyến trên” dễ dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đối với các cơ sở y tế cần bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị điều trị, tránh bị động, bất ngờ khi tiếp nhận bệnh. Ngoài ra, cần cập nhật lại phát đồ điều trị, nhất là các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (thành phố Sa Đéc), Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười (huyện Tháp Mười), Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự (thị xã Hồng Ngự), bởi đây là các đơn vị sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng. Bác sỹ Lâm cho biết, trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Quân dân y để phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona gây ra.
Ông Trần Văn Lườm, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng). Hiện tại, hai nơi này đã được trang bị dụng cụ đo thân nhiệt hồng ngoại cầm tay và từ xa, cho nên ngành y tế yêu cầu cần địa phương bố trí lực lượng thường trực để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của người dân.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế, các cấp cần phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch. Đối với yêu cầu bổ sung các trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch của các trung tâm y tế, trước mắt trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh giữ vai trò rà soát, điều phối kịp thời khi xảy ra tình huống cần thiết. Bệnh viện tư nhân cần phát hiện sớm và phối hợp với các bệnh viện công lập trong việc thực hiện các bước xử lý bệnh.
Sở Y tế Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến, phạm vi, mức độ của bệnh, cách xử lý bệnh đến tận các khóm, ấp, xã, phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời nếu ghi nhận bệnh; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần được khám cách ly và áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan.
Tỉnh cũng tăng cường việc giám sát, kiểm tra và xử lý đối với các phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu trong việc kiểm tra, giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu.