Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/5, nhận định về các vụ án hàng giả vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng: "Các địa phương chưa làm nghiệm việc triển khai hậu kiểm. Bộ Y tế đang tập trung xây dựng 2 Nghị định về phân định thẩm quyền thực hiện theo chính quyền 2 cấp, nghị định về phân cấp, phân quyền; với tinh thần phân cấp tối đa cho địa phương triển khai nhiệm vụ thực tiễn. Bộ tập trung xây dựng các văn bản, pháp lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Như vậy, vai trò của UBND tỉnh, Sở Y tế ngày càng quan trọng hơn".
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện người dân rất hoang mang vì sử dụng mà không biết sản phẩm nào được phép lưu hành, sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, kể cả doanh nghiệp rất quan trọng để giải quyết vấn đề căn cơ lâu dài, nếu không sẽ khó cho quá trình thực hiện.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh cần nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình phải sản xuất các mặt hàng đúng, chất lượng. Quan điểm của Bộ Y tế về xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: Riêng từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan công an 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả.
Còn trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, trong năm 2024, Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã tổ chức trên 80 đoàn kiểm tra GMP, 130 đoàn kiểm tra GSP; Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 50 đoàn thanh tra độc lập.
Năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.