Bảo vệ giới trẻ trước thuốc lá điện tử - Bài 1: Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có các chính sách liên quan đến thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...

Tuy nhiên, các tập đoàn  thuốc lá đa quốc gia luôn nhắm vào thế hệ trẻ để thu hút “người dùng mới”. Các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...) được đặt cho nhiều tác dụng như giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại, tạo hình ảnh thời thượng cho người sử dụng… thực chất vẫn chỉ là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới, gánh nặng y tế rất lớn cho Việt Nam.

Phóng viên TTXVN giới thiệu chùm bài viết: “Bảo vệ giới trẻ trước thuốc lá điện tử" nhằm phản ánh thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, nhất là trong thanh, thiếu niên; quan điểm và các quy định của Việt Nam đối với các sản phẩm thuốc lá mới và những nỗ lực nhằm xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, hạn chế các loại bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi, dân tộc.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra, tạm giữ lô hàng gồm 1.042 máy thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Bài 1: Việt Nam không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe

“Thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bởi các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe, Thạc sỹ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết.

8 triệu người tử vong vì thuốc lá hàng năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động; chiếm khoảng 14% số tử vong hàng năm trên toàn cầu (7 người tử vong thì 1 người là do thuốc lá). 

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Hiện có khoảng 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nghiên cứu của Bệnh viện K cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%... Bên cạnh đó, số tiền mua thuốc lá trung bình lên đến 49.000 tỷ đồng; Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có các chính sách liên quan đến thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá... 

Mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Hiện mức thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, việc tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng…

“Đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha) đang tìm mọi phương cách tấn công vào giới trẻ dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đã gia tăng một cách đáng kể có thể dẫn đến những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định.

 Là hàng nhập lậu, xách tay 

Trong nhóm sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử có nicotine, hoạt động theo cơ chế nung nóng một loại dịch chứa nicotine (e-liquid) tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol và/hoặc Glycerin (đóng vai trò dung môi cho nicotine). Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử (e-cigar), shisha điện tử (e-shishas).

Thạc sĩ Trần Thị Trang cho biết, thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… “Các sản phẩm đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội”.

Còn theo Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống, như: Nicotine Glycol, Ethylene Glycol, kim loại chì, bạc, thủy ngân, tích tụ dần gây độc cơ thể như tổn thương phổi cấp dẫn đến tử vong, đặc biệt là thanh thiếu niên sẽ bị mất kiểm soát hành vi, tâm trạng, ảnh hưởng đến trí tuệ, trí não do Nicotine ảnh hưởng đến hệ thần kinh; làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống và sử dụng đồng thời; gia tăng nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử…

Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá mới không được phép sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, không chỉ thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các sản phẩm mới đều không an toàn cho sức khỏe, sử dụng nhiều nhất là thanh thiếu niên bởi nó chứa hàm lượng nicotine và chất gây nghiện cao, ảnh hưởng đến não bộ, trí tuệ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, những chất được chứng minh gây ung thư và các bệnh tim mạch… WHO đã, đang tìm mọi cách để ngăn chặn việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, giúp thế hệ tương lai tránh nghiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe

Theo bà Trần Thị Trang, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Trong khi đó, hiện Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật… Đặc biệt, Luật, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn in cảnh báo sức khỏe đối với bao thuốc lá điếu, không điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Trước đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá làm nóng như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm của Bộ Công thương mới đây, bà Trần Thị Trang cho biết, ngành Y tế đang "còng lưng" phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Việc cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý do chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội. 

“Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe”, bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang cho rằng, quy định cấm phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của WHO, trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.

Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tại Australia, nicotine nằm trong danh mục "chất độc dược" và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

“Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Bài 2: Giữa 'muôn trùng vây' quảng cáo thuốc lá

Thủy Hảo
Bảo vệ giới trẻ trước thuốc lá điện tử - Bài cuối: Nỗ lực kéo giới trẻ tránh xa thuốc lá điện tử
Bảo vệ giới trẻ trước thuốc lá điện tử - Bài cuối: Nỗ lực kéo giới trẻ tránh xa thuốc lá điện tử

Trong thời gian gần đây, từ khóa “thuốc lá điện tử” xuất hiện rất nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Đây không chỉ là hoạt động thúc đẩy quảng cáo của các công ty thuốc lá mà do nhiều tai nạn, hệ lụy của thuốc lá điện tử gây ra khiến nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN