Đến ngày 3/8, mặc dù không còn mưa nhưng các tuyến đường giao thông đi huyện Trấn Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ vẫn có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt tại các tuyến đường liên xã Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô - An Lương của huyện Văn Chấn.
Tuyến đường đi từ Yên Bái - Vân Hội - Việt Hồng - Đại Lịch hiện đang bị cấm đường do có nguy cơ sạt lở cao. Sau mưa lũ, một nửa quả đồi tại dốc Vần, xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên) xuất hiện vết nứt rộng khoảng 40 - 50 cm. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ đặt biển cảnh báo và tổ chức trực 24/24 giờ để cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực này.
Ông Ninh Quý Sơn - Đội trưởng Đội 2 (Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 2) cho biết, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã huy động 3 máy xúc và 4 ô tô để thi công. Tuy nhiên, vết nứt ở trên cao và lượng đất nhiều (gần 10.000 m3) nên phải vài ngày nữa mới thi công xong.
Nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, tỉnh Yên Bái đã được lắp đặt hệ thống thiết bị cảnh báo sớm, đo lượng mưa tự động, thiết bị cảnh báo mực nước lũ cho các ngầm tràn, ở một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm. Các địa phương trong tỉnh Yên Bái cần chủ động tìm các giải pháp để phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trận mưa lũ vừa qua tỉnh Yên Bái đã thiệt hại 3.831 ngôi nhà, trong đó 150 nhà bị sập, trôi hoàn toàn, 280 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, 156 nhà bị thiệt hại nặng; 3.607 ha diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, 13.638 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 472,9 ha nuôi trồng thủy sản và 44 lồng cá của huyện Yên Bình bị thiệt hại nặng. Hàng trăm tuyến đường, công trình cầu, cống, thủy lợi bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 912 tỷ đồng.