Xứng danh khu Ramsar của thế giới

Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim nằm trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích tự nhiên 7.313 ha. Vườn được thành lập năm 1985 và ngày 29/12/1998, Vườn đã được Chính phủ công nhận là Vườn Quốc gia. VQG Tràm Chim có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống và rừng tràm. Hệ chim nước có 231 loài; thủy sản có 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật. Hệ thuỷ sinh vật ở đây đa dạng, phong phú với gần 180 loài tảo, 110 loài động vật nổi, 26 loài động vật đáy, gần 350 loài phiêu sinh thực vật, 34 loài bò sát lưỡng cư. Năm 2012, Vườn được cấp Bằng chứng nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2000 của thế giới.

* Nhiều loài chim, cá quí hiếm được bảo tồn

Về loài chim, VQG Tràm Chim có 198 loài chim thuộc 49 họ, 14 bộ. Đặc biệt Vườn còn có 16 loài chim quí hiếm sinh sống và được bảo vệ như: Sếu đầu đỏ, cò quắm đầu đen, cò thìa, đại bàng đen, te vàng, choi choi lưng đen, điêng điểng, cò trắng Trung Quốc, diệc Sumatra, bồ nông chân xám, giang sen, nhạn ốc và công đất. Trong số 16 loài chim quí hiếm, có 42% loài ở đầm lầy nước ngọt, 10% ở đồng cỏ, còn lại sử dụng rừng ngập nước,các con kênh, cây, bụi rậm và sử dụng tổng hợp.

Sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim. Ảnh: VOVgiaothong



Do có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim, VQG Tràm Chim được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng của Việt Nam. Trong những năm qua, Vườn bảo vệ nghiêm ngặt, gìn giữ các loài chim quí này. Nơi có quần xã cỏ ống là nơi kiếm ăn và sinh sản của công đất và nhạn; quần xã cỏ năng là nơi ăn của các loài tiêu biểu như sếu, giang sen và già đẫy, ngoài ra quần xã sen, lúa ma, mồm mốc và quần xã rừng tràm thích nghi cho các loài chim khác về ăn sinh sống và làm tổ. Ngoài ra, còn có các loài chim mới xuất hiện đáng chú ý như: Le khoang cổ, nhát hoa và gà lôi nước hiện có trong Vườn. Do tính chất quan trọng của môi sinh, môi trường của vùng đất ngập nước cần bảo tồn, bảo vệ, hiện nay Vườn đang bảo vệ tốt các loài chim quí hiếm để duy trì và tái tạo.

Bên cạnh thủy sản có 150 loài cá nước ngọt, chủ yếu là nhóm cá trắng (chiếm khoảng 75%), còn lại là nhóm cá đen, đặc trưng là cá lóc đồng, cá lóc bông và cá sặt bướm. Các loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá Còm, cá mang Rổ, cá Duồng, cá Hô. Số lượng động vật và thủy sản tại VQG Tràm Chim hoàn toàn vượt trội so với các khu bảo tồn đất ngập nước khác trong khu vực như: Khu bảo tồn thiên nhiên Rừng Tràm Trà Sư (An Giang), hay VQG U Minh Hạ (Cà Mau). Có được sự đa dạng trên là do VQG Tràm Chim nằm trong vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, chịu ảnh hưởng của chế độ ngập lũ sông Mekong thông qua các hệ thống kênh thủy lợi như kênh Hồng Ngự - Long An; kênh Đồng Tiến, kênh An Hòa và kênh Phú Hiệp. Đặc biệt, VQG Tràm Chim còn có hệ thống cống điều tiết nước: lấy nước vào trong mùa lũ và xả nước ra ngoài theo yêu cầu cụ thể. Do đó, hàng năm Vườn được bổ sung một lượng lớn nguồn lợi thủy sản, giúp duy trì được tính đa dạng sinh học. Chính vì vậy, đây là nơi trú ngụ lý tưởng của hàng trăm loài chim nước, thực vật bậc cao, cá nước ngọt và các loài lưỡng cư, bò sát khác, trong đó có sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm đang được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm bảo vệ.

* Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Tràm Chim là Khu du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ hấp dẫn. Khu du lịch tại VQG Tràm Chim tổ chức đi tham quan quanh khu A1 của vườn bằng phương tiện thủy. Phương tiện tham quan bằng đường thủy với tàu sức chở 15 người, tuyến dài 12km, thời gian đi khoảng 1 tiếng đồng hồ, có 1 đài vọng cảnh dừng chân cao 20 m, tham quan chim nước. Tuyến 24km có 1 đài vọng cảnh dừng chân cao 20m, tham quan chim nước, sen, lúa trời. Khu du lịch sinh thái ở VQG Tràm Chim từ lâu đã nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, đặc trưng cho vùng đất trũng Đồng Tháp Mười. Đây là điểm du lịch hấp dẫn có tiếng ở tỉnh Đồng Tháp bởi nơi đây còn lưu giữ lại những đặc thù thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười.

Hiện nay, tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng làm hệ thống đường nhựa, cầu, cống cho xe du lịch đi xung quanh bìa vườn Khu A1. Nơi đây được xem là lá phổi xanh của Đồng Tháp Mười, rừng tràm có diện tích gần 3.000 ha tràm có tuổi thọ từ 10-18 năm. Đây là rừng nguyên sinh, với những bưng trấp, lung, bàu đầy sen, súng, lau sậy, cà na, gáo. Đến đây, chắc chắn khách du lịch sẽ ngợp mắt trước sân chim rộng hàng chục ha cùng nhiều loài chim muông bay rợp cả một góc trời. Trên những vạt rừng rộng mênh mông, hàng chục loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời; nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười.

Trên những chiếc tàu hay những chiếc xuồng ba lá, bồng bềnh xuôi theo những con kênh nhỏ, bạn có thể thấy tận mắt vào mùa khô nhìn thấy những con sếu có chiều cao hơn 1,5 mét, nặng từ 10-15 kg/con, các loài diệc mộc, diệc lửa với sải cánh dài hơn 1m, những con nhan điển với cái cổ thon dài vừa bay cao vừa bơi lặn và bắt cá rất giỏi…

Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng hàng chục nghìn cánh cò trắng điểm xuyết trên nền tràm xanh tươi tạo thành một khung cảnh ngoạn mục. Còn các lung sen, đầm năng lại là nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ về đây thư thả nhổ những cọng năng tươi non, thỉnh thoảng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp. Đến với Tràm Chim, không những nghe chim hót trên cây, bạn còn được nghe tiếng cá quẫy đuôi mời chào dưới nước. Những câu thơ “Xin mời ghé chốn quê tôi xứ này quê tôi vừa đẹp vừa hay. Dưới sông cá lội, chim bay trên trời”.

Tràm Chim đẹp nhất vào mùa nước nổi. Lúc ấy, nước từ sông Mêkông kéo về phủ ngập cánh đồng, biến Tràm Chim thành một ốc đảo giữa trời nước mênh mông, rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng pha lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm… Cá tôm ở đây rất phong phú, đánh bắt về cộng với các loại rau đồng, bạn có thể chế biến thành những món ăn dân dã vô cùng hấp dẫn.


* Nhiều giải pháp bảo vệ Vườn

VQG Tràm Chim được đê bao bảo vệ xung quanh với chiều dài 53 km nhằm mục đích là ngăn lũ tràn vào bên trong, điều chỉnh mực nước trong mùa khô; được chia thành 5 tiểu khu từ A1-A5 do ngăn cách bởi các kênh. Để ngăn chặn sự xâm phạm đánh bắt chim, cá và hủy hoại các loài động thực vật khác từ cộng đồng dân cư trong vùng đệm, những năm qua, được sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, VQG đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tiến hành một số dự án hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, giảm sức ép người dân vào vườn như: Hỗ trợ dịch chuyển hàng trăm hộ dân vào các cụm tuyến dân cư; hàng năm Chi hội VQG Tràm Chim mở các lớp giáo dục cộng đồng chuyên đề các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ hộ nghèo ở các xã vùng đệm vay vốn để làm kinh tế gia đình. Vừa qua, các tổ chức MWBP "Chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các Vùng đất ngập nước sông Mêkông" thuộc Cục Bảo vệ Môi trường, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) thực hiện dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các Vùng đất ngập nước sông Mêkông ở VQG Tràm Chim. Các hoạt động đó đã giúp nhân dân trong vùng thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức và ngăn chặn tình trạng tiếp diễn ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước sông Mê kông, giải quyết các mâu thuẫn về đất ngập nước và vấn đề sinh kế cho người dân vùng đất ngập nước.

Các nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều giải pháp điều chỉnh phục hồi chế độ thủy văn, đốt cỏ có kiểm soát, phục hồi các quần xã thực vật chính; tăng cường quản lý rừng bằng cách tái sinh tự nhiên, trồng thêm làm giàu rừng kết hợp với giao khoán trồng cho dân và lập các mô hình nông lâm, tăng cường bảo vệ phòng chống cháy, quản lý đồng cỏ và khu vực sen, súng, trồng thêm cây phân tán, làm tăng thêm thu nhập của dân cư trong vùng từ nông lâm nghiệp. Vấn đề quản lý tốt tài nguyên không chỉ về phía Nhà nước tăng cường bộ máy quản lý, pháp luật và quy chế mà tạo cơ chế và chính sách để người dân tham gia bảo vệ quản lý nguồn tài nguyên.

Vườn Quốc gia Tràm Chim còn tổ chức khai thác hợp lý thủy sản trong vườn, tổ chức tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục bảo tồn, quảng bá sản phẩm du lịch Tràm Chim, xây dựng dự án diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai nguy hại như cây mai dương và ốc bươu vàng; hợp tác với tổ chức CARE thực hiện dự án "Sử dụng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên". Vườn cũng thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái trong vườn. Đây là những việc làm đ ể Tràm Chim xứng đáng là khu Ramsar- khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.



Nguyễn Văn Trí
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN