Hội thảo nhằm chia sẻ mô hình triển khai trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm về đào tạo AI trong các doanh nghiệp - trường - viện.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một trong những công nghệ được quan tâm nhất và là một trong những lĩnh vực tiêu biểu của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Việt Nam, nhiều công ty công nghệ trong nước đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng AI của thế giới và bước đầu có sản phẩm cụ thể. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án về AI như: Ứng dụng AI để tối ưu các thiết bị điện tử gia dụng của Công ty TMA Solutions; Phát triển hệ thống tính toán phân bố của Công ty Global Cybersoft; Ứng dụng AI cho hệ thống giám sát VMS tại Công viên phần mềm Quang Trung…
Bà Nhiêu Quốc Trân, Trưởng Bộ phận Giải pháp công nghệ QTSC cho biết, việc ứng dụng AI giúp QTSC giải quyết bài toán công nghệ và phát huy hiệu quả hệ thống hơn 300 camera trong khu (camera quan sát giao thông và giám sát tòa nhà). Trước đây, các camera này dùng các công nghệ, phần mềm khác nhau nên khó kết nối đồng bộ, nhưng với AI thì tất cả camera đều kết nối dễ dàng trên cùng một hệ thống. Hiện các camera này đều tích hợp công nghệ quản lý thông minh, giúp nhận diện người vào khu, các vi phạm giao thông, nhận diện khuôn mặt đối tượng nằm trong “danh sách đen” của khu…
Dù lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam đang phát triển, nhưng công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực AI còn hạn chế, chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Đây là nhận định của Tiến sỹ Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Theo đó, ngay ở các nước công nghệ phát triển, việc đào tạo AI cũng có những khó khăn nhất định, do nguồn đầu vào hạn chế. Lĩnh vực AI thường nằm trong các chuyên khoa về khoa học máy tính, rất ít có chuyên khoa riêng. Việc đào tạo nhân lực AI đòi hỏi mang tính nghiên cứu ứng dụng cao, theo nhu cầu thị trường.
Cũng theo Tiến sỹ Vũ Tường Thụy, với đặc thù AI trên nền tảng khoa học máy tính, thì việc đào tạo nhân lực AI không phải vấn đề mới tại Việt Nam, nhưng hiện được chú trọng hơn là do nhu cầu phát triển của thị trường. Với tình hình hiện nay, các kỹ sư công nghệ thông tin có thể “chuyển đổi” sang lĩnh vực AI để giải quyết bài toán nhân lực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vinh Tiệp, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để xây dựng một chương trình đào tạo AI (mở khoa chuyên ngành) sẽ rất phức tạp, liên quan đến nhiều thủ tục khác nhau. Do đó, trong lúc chưa có chương trình đào tạo chính quy riêng, có thể thực hiện bằng cách đào tạo nhân lực theo hướng “cầm tay chỉ việc” tại các trường, khoa, trung tâm về công nghệ. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu cũng đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như ứng dụng công nghệ AI tại Việt Nam.