Hãy sống gần gũi và bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động cụ thể, thiết thực,… vì tương lai của chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết: “Xây dựng lối sống xanh”.
Bài 1: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng gia tăng, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.., đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
“Mạnh tay” xử lý vi phạm
Gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta diễn ra phức tạp, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhiều nơi, nhiều lúc vấn đề ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn GFT Việt Nam ở xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, chuyên sản xuất đồ chơi, trò chơi và các sản phẩm từ nhựa plastic đã xả nước thải có chứa Coliform vượt 2,2 lần thông số cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT với thải lượng là 518,06 m3/ngày. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa ký Quyết định 382/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính số tiền 290 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn GFT Việt Nam trong 30 ngày phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với nước thải và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hải Dương.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra từ lâu và có dấu hiệu nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng vận chuyển, đổ trộm chất thải nguy hại trái phép tại xã này diễn ra thường xuyên và trong thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân rất bức xúc.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cá nhân, 1 doanh nghiệp tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, do liên quan đến hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Niên, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, do ông Nghiêm Xuân Nhiệm làm Giám đốc, số tiền 400 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Phù Xá, xã Văn Môn 200 triệu đồng; ông Nghiêm Xuân Mộc, thôn Quan Đình, xã Văn Môn 200 triệu đồng, do các cá nhân, tổ chức trên đã thực hiện hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định, vào ngày 14/12/2021.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng xử phạt ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, số tiền 225 triệu đồng do ngày 14/1/2022, ông Hùng đã có hành vi vận chuyển chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Các cơ sở trên phải chịu áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thời gian 9 tháng kể từ ngày nhận được quyết định…
Tại Đà Nẵng, người dân sinh sống quanh khu vực Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất chính quyền có biện pháp xử lý vì khu vực này bị ô nhiễm môi trường kéo dài. Nguyên nhân là do Trung tâm hoạt động đã lâu, công nghệ và nhà xưởng đã lạc hậu nhưng vẫn là nơi giết mổ gia súc, gia cầm lớn nhất thành phố Đà Nẵng.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 674/QĐ-XPHC ngày 12/3/2022 đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chế biến thực phẩm Đà Nẵng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổng số tiền phạt là hơn 180 triệu đồng.
Theo Biên bản vi phạm hành chính số 07/BB-VPHC ngày 18/2/2022 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Công ty trên đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần tại Dự án Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm (cụ thể: xả nước thải có chứa Coliform vượt quy chuẩn 3 lần với lưu lượng nước thải là 35 m3/ngày), tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Còn tại Đồng Nai, ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh này đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Công an thành phố Biên Hòa và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước trong khuôn viên của Xí nghiệp Đèn ống, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để điều tra, làm rõ hành vi xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên đang tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Bước đầu, các nhân viên này khai nhận thực hiện xay nghiền từ ngày 8/3 đến thời điểm kiểm tra. Tại hiện trường, lực lượng Công an phát hiện gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước.
Tiếp tục kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện hai hầm bê tông được xây dựng âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp, nghi vấn đây là số chất thải phát sinh trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn được đổ trái quy định.
Phòng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản kiểm tra và phối hợp cơ quan chức điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm an ninh môi trường
Việc xác định, quy định cụ thể các chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp phòng ngừa và rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, phát triển bền vững.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã cơ bản khắc phục được những bất cập giữa các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, tạo khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Những nội dung đó gồm điểm mới về phân loại dự án theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để nâng cao trình độ pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Chủ thể kinh doanh cần tránh 2 xu hướng cực đoan như sau: Hiểu biết pháp luật nhưng vẫn tìm cách chống đối và vi phạm; vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Ngoài việc tuân thủ các quy định mới về môi trường, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của hành vi đó sẽ thuộc về các cá nhân, tổ chức bị kiện. Quy định này cũng sẽ ràng buộc và tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường. Các nhà đầu tư cần cập nhật những hướng dẫn này để có thể tuân thủ đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tránh rủi ro trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Để ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ: Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm chi trả kịp thời, toàn bộ các chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường; trường hợp Nhà nước tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thanh toán chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.
Bên cạnh đó, theo Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo để nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Bài 2: Sự tham gia của cộng đồng - Giải pháp cơ bản phát triển bền vững