Ở giai đoạn đầu, tỉnh Quảng Ngãi sẽ cùng với liên minh các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cung cấp các công nghệ thân thiện với môi trường mà mỗi doanh nghiệp đang sở hữu tại đảo An Bình, một hòn đảo nhỏ với 500 hộ dân và diện tích khoảng 69 ha. Qua đó, các đơn vị tham gia dự định sẽ xây dựng đảo An Bình thành “Đảo phi carbon” với mục tiêu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời bảo vệ môi trường thiên nhiên tại đây. Công ty SK Innovation tiến hành nghiên cứu vào việc áp dụng các kỹ thuật tái chế nhựa nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa ở khu vực biển đảo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty SK Innovation sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi đưa vào cung cấp rộng rãi các sản phẩm thân thiện với môi trường như lắp đặt bóng đèn LED thay cho bóng đèn dây tóc và halogen ở các văn phòng cơ quan, công sở và đèn đường, cung cấp bếp năng lượng mặt trời (solar cooker)...
Công ty Công nghiệp nặng Doosan với kỹ thuật khử mặn tân tiến bậc nhất trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì và bảo dưỡng, lắp đặt hệ thống khử mặn tại đảo An Bình để cung cấp nước sạch cho người dân.
Với kỹ thuật phát điện sóng biển gần bờ thân thiện với môi trường, Công ty Ingine sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống điện sóng biển cỡ 50 - 100KW tại đảo An Bình trong năm 2020 nhằm giải quyết các khó khăn về chi phí cũng như các vấn đề về môi trường do sử dụng điện diesel tại đây. Với lợi thế đường bờ biển dài và nguồn năng lượng sóng biển dồi dào của Việt Nam, công ty hy vọng điện từ sóng biển sẽ trở thành nguồn năng lượng tái chế mới quan trọng tại Việt Nam, sau điện mặt trời và điện gió.
Tập đoàn Vingroup, đơn vị đồng hành của Tập đoàn SK tại Việt Nam, lần này cũng đóng góp vào chương trình thông qua việc tặng 20 xe máy điện nhằm góp phần giảm ô nhiễm không khí.
Dựa trên những kinh nghiệm đúc kết từ dự án này, các bên tham gia hy vọng sẽ mở rộng hợp tác với thêm nhiều đơn vị đồng hành có cùng quan tâm và mục tiêu để mở rộng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường ra phạm vi cả tỉnh Quảng Ngãi và trên toàn Việt Nam.
Tại buổi ký kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho rằng: Lý Sơn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, kinh tế ngư nghiệp và văn hóa du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, Lý Sơn đang đối mặt với nhiều thách thức: hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa hoàn thiện và đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn. Sáng kiến “đảo phi carbon” cho tỉnh Quảng Ngãi dưới sự đóng góp của các bên và việc tài trợ dự án cung cấp điện cho xã An Bình (Lý Sơn) bằng công nghệ phát điện từ sóng biển sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho huyện đảo Lý Sơn.
Ông Jee Dong Seob, Chủ tịch Ủy ban Double Bottom Line (DBL) của SK Innovation chia sẻ: “Tôi mong rằng dự án đảo phi carbon xuất phát từ đảo An Bình sẽ thành công, trở thành mô hình đảo thân thiện với môi trường và sẽ được nhân rộng ra tỉnh Quảng Ngãi, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường”.
Ông Jee Dong Seob cũng hy vọng sẽ đưa dự án ở đảo An Bình thành ví dụ điển hình trên toàn thế giới về đảo thân thiện với môi trường.
Ông Jung Yeon In, Giám đốc Doosan Vina cho biết: "Vào năm 2012, công ty đã xây dựng hệ thống khử mặn ở đảo An Bình, nơi mà khi đó vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt. Lần này, chúng tôi tham gia ký biên bản ghi nhớ sáng kiến đảo phi carbon với mong muốn giúp người dân đảo An Bình nâng cao chất lượng cuộc sống và trong tương lai chúng tôi sẽ tích cực tham gia nhiều hoạt động cống hiến xã hội khác tại địa phương”.