Cụ thể, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp, UBND phường Lộc Tiến và Trung tâm Phân tích Bảo Lộc kiểm tra thực tế tại khu vực nuôi cá lồng, bè của người dân có cá bị chết. Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định hộ dân nuôi theo phương thức luân canh gối vụ nên việc vệ sinh lồng, bè khu vực nuôi bị hạn chế, làm cho môi trường nuôi cá không được đảm bảo. Theo đánh giá, màu nước tại khu vực nuôi có màu xanh lơ, lẫn huyền phù, cũng như phù du trong nước nhiều; mùi nước có mùi của phân hủy hữu cơ.
Ngoài ra, thời gian qua có những trận mưa đầu mùa kết hợp nguồn nước nuôi đã làm thay đổi đột ngột nồng độ oxy trong nước, cũng như sự trao đổi dưỡng chất trong nước là một trong những nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu nước tại khu vực nuôi để phân tích hàm lượng trao đổi chất, nồng độ oxy trong nước, cũng như thành phần nước, pH nước và đánh giá cụ thể.
Cũng theo Phòng Kinh tế Bảo Lộc, tại khu vực các lồng, bè nuôi cá hiện tượng cá chết xuất hiện từ ngày 22/6. Đến sáng ngày 24/6 cá bắt đầu chết nhiều, tập trung tại các lồng không có hệ thống máy xủi tạo oxy và kéo dài cho đến nay. Qua thống kê, có khoảng 18 - 20 tấn cá các loại bị chết, gây thiệt hại khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều hộ nuôi cá tại hồ Mai Thành (phường Lộc Tiến, Bảo Lộc) phát hiện cá chết hàng loạt khắp các lồng nuôi. Trong số đó, hộ ông Trần Văn Tiến (ngụ xã Lộc Châu) có 33 lồng với khoảng 60% sản lượng cá sắp đến kỳ thu hoạch nhưng đã bị chết nổi la liệt. Tương tự, hộ ông Trần Linh Giang (ngụ Phường Lộc Tiến) có nuôi 6 lồng nuôi cá thương phẩm, ước tính thu hoạch khoảng 15 tấn cá các loại. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày qua, cá chết liên tục chiếm hơn 50% sản lượng lồng nuôi của gia đình.
Hồ Mai Thành là hồ chứa thủy lợi, hiện được Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc cho các hộ dân thuê mặt nước để nuôi cá với trên 50 lồng bè. Các loại cá nuôi chủ yếu là diêu hồng, cá chép, trắm cỏ, rô phi với giá bán thương phẩm từ 85.000 - 90.000 đồng/kg cá trắm, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg cá diêu hồng, rô phi.