Xà cừ- có thực là vị thuốc cần săn tìm?

Cây xà cừ là cây thân gỗ lớn có tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát tại các công viên, trường học hay đường phố khắp đất nước ta. Bất ngờ, loại cây tán rộng, thân khỏe ấy bị bóc đi từng mảng vỏ vuông vắn ngay trên phần gốc. Trước tin đồn vỏ xà cừ bị bóc đi làm thuốc chữa ghẻ, Báo Tin Tức tìm hiểu thông tin xoay quanh vấn đề này.

Dân gian bảo có

Cây xà cừ có tên gọi khác là cây sọ khỉ. Cây trồng có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi. Hiện nay cây được phân bố rộng khắp Việt Nam. Tại Việt Nam, cây có độ cao từ 30 - 40m, đường kính thân 0.8 - 2m. Xà cừ sinh trưởng khá nhanh, gỗ rất được ưa chuộng vì không bị mối mọt. Lớp vỏ và thịt có vị chát chính là cơ sở để dân gian đưa xà cừ vào danh mục các vị thuốc chữa các bệnh nhẹ như bệnh ghẻ, ho, sưng tấy.

Hàng xà cừ ở đường Láng (Hà Nội) bị đẽo vỏ. Ảnh: Xuân Cường

Với phần vỏ cây xà cừ, theo kinh nghiệm dân gian, lấy vỏ xà cừ đem đun lên, chắt lấy phần nước tắm chỉ sau 1 tuần là sẽ khỏi ghẻ. Đây là liểu thuốc khá hữu hiệu đối với bệnh ghẻ. Ngăn chặn sự lây lan và nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bạn nên sử dụng lượng vỏ xà cừ vừa phải tránh đun nước quá đặc trẻ dễ bị say.

Lớp vỏ màu vàng phía sau lớp vỏ sần sùi bên ngoài cũng được cho là có công dụng trị ho khi ngâm cùng quất xanh và mật ong.

Chính vì những kinh nghiệm dân gian về dược tính của vỏ xà cừ mà không ít lời đồn đoán, vỏ xà cừ bị bóc hạ là để làm thuốc, để trị ghẻ cho người. Thậm chí có cả lời đồn, xà cừ được đem về làm thuốc trị bọ, trị ve cho chó mèo. Càng có nhiều lời đồn, người dân càng thấy hoang mang trong khi những gốc xà cừ cứ độ qua Xuân lại bị làm hại.

Đông y chưa có thực nghiệm dược tính của xà cừ

Trao đổi với thầy thuốc nhân dân, bác sỹ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam) khẳng định cây xà cừ là loại lim trắng, dòng rất độc. Đông y chưa có thực nghiệm, nhưng dùng loại cây này chữa bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Theo ông, vỏ xà cừ không hề có tác dụng chữa bệnh ngoài da. Dân gian trước nay chỉ dùng những loại cây như lá đào, lá bưởi, cây nhọ nhồi… để chữa bệnh ngoài da mà thôi.

Trong khi đó, lương y Nguyễn Viết Huy - Hội đông y thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn), ông cho rằng những công dụng kể trên của xà cừ là có. Nhờ chất chát có trong vỏ xà cừ nên nước sắc đặc của loại vỏ này có thể giúp chữa một số bệnh ngoài da, giảm đau.

Tuy nhiên theo ông Huy, người làm đông y không còn sử dụng vỏ xà cừ làm thuốc đơn giản vì có rất nhiều loại lá, cây đông y có thể sử dụng thay thế. Ví như tác dụng giảm đau trong chữa đau răng có thể sử dụng loại lá cây dễ kiếm ở vườn nhà như lá rau răm, hạt cau để thay thế. Tác dụng sát khuẩn trong điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào đều có thể sử dụng diêm sinh trong khi rau răm, rau sam cũng có tác dụng rất tốt, đều là loại cây đắc dụng trong điều trị các bệnh ngoài da.

Theo anh Nguyễn Đức Hoàng, người sáng lập doanh nghiệp xã hội Vietherb- doanh nghiệp hỗ trợ các dược sĩ đông y cả nước khôi phục kho tàng bài thuốc đông y quý giá cho biết, trong quá trình đưa các bài thuốc vào thực tế sử dụng hiện nay, anh không hề thấy xà cừ còn được sử dụng nữa. Bản thân xà xừ là loại cây ngoại nhập nên các lương y trong nước không sử dụng. Thêm vào đó, việc bóc vỏ xà cừ có thể làm hại cho cây trong cũng cùng ý kiến với lương y Nguyễn Viết Huy, anh Hoàng cho rằng để thay thế xà cừ có rất nhiều vị thuốc dễ kiếm khác. Bởi thế, vỏ xà cừ không phải là vị thuốc quý cần săn tìm.

Việc vỏ xà cừ cứ vào mùa là bị bóc, thân cây bị đục từng mảng là có thật. Theo ý kiến các chuyên gia có thể khẳng định, vỏ xà cừ không hề được sử dụng trong các bài thuốc đông y Việt Nam. Vậy đâu là lý do để xà cừ bị xé vỏ? Báo Tin Tức sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến độc giả ý kiến nhiều chiều về vấn đề này.

Đặc điểm của cây xà cừ:

– Xà cừ là cây ưa sáng, có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc. Đặc biệt, cây có khả năng đề kháng với sâu bệnh rất cao.

– Xà cừ là cây trồng chịu được khô hạn, có khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sinh thái quanh vùng.

– Gỗ xà cừ để làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, làm bàn ghế xuất khẩu đồng thời gỗ xà cừ còn được dùng trong xây dựng.

– Xà cừ thường được trồng thành hàng dọc các đường phố vừa làm cây xanh cảnh quan, vừa làm cây bóng mát.

Lê Sơn
Hà Nội còn 5.000 cây xà cừ trên các tuyến phố
Hà Nội còn 5.000 cây xà cừ trên các tuyến phố

Theo ông Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam, với vết đẽo vỏ nhỏ, cây xà cừ sau vài tháng sẽ thâm và liền sẹo. Trường hợp gặp thời tiết ẩm, cây có thể bị bệnh dẫn đến nguy cơ héo, chết. Do đó, ngành chức năng cần theo dõi thường xuyên, nếu phát hiện bất thường cần xử lý kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN