Vượt lên chính mình, sống có ích

Dù mang trong mình di chứng chất độc da cam nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, nhiều nạn nhân chất độc da cam/điôxin vẫn vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích.

Anh Đỗ Ngọc Tiếng (27 tuổi), ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là một tấm gương về tinh thần nghị lực như thế. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, bản thân bị bệnh tật, nhưng Tiếng đã nỗ lực hết mình phụ giúp ba mẹ kiếm thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. 

Vóc người thấp nhỏ, đôi chân yếu ớt, hằng ngày Tiếng vẫn lên núi bẻ cây thanh hao về làm chổi để bán. Những khó khăn, trở ngại vì bệnh tật, đường xá xa xôi không làm anh nản lòng, mà càng tiếp thêm nghị lực cho anh. “Dù bệnh tật, nhưng còn có thể đi đứng được thì phải lao động để phụ giúp cha mẹ già. Thường mất khoảng 2 giờ mình mới lên đến điểm bẻ cây thanh hao, nhiều lúc đi xa cũng mệt nhưng mình phải cố gắng để phụ giúp ba mẹ đã già yếu. Mỗi ngày có khi bó được 5 - 6 chiếc chổi, bán được 3 ngàn đồng/chiếc, khi lên núi mình hái thêm lá chè, lá dung... nên mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn đồng để phụ mẹ nuôi anh, em” - Tiếng tâm sự. 

Anh Đỗ Ngọc Tiếng ngày ngày đi kiếm củi. Ảnh: Thanh Tuyên

Đỗ Ngọc Tiếng là con thứ ba trong một gia đình có 5 anh chị em và cũng là 1 trong 3 người con bị nhiễm chất độc da cam. Nhà nghèo, đông con, lại thêm con cái bị bệnh, gia đình Tiếng luôn khó khăn về kinh tế, nên việc chữa bệnh và cho các con học hành cũng dang dở nửa chừng. Bà Nguyễn Thị Lộc, mẹ Tiếng cho biết: "Hai đứa đầu sinh ra bình thường, nhưng ba đứa sau bị bệnh, tật nguyền. Nhà nghèo quá cũng chỉ đưa con xuống huyện khám thôi chứ đi xa lo không nổi. Đứa khỏe mạnh thì không có tiền cho học hành đến nơi đến chốn, đứa bệnh tật thì phải phục vụ cho nó". 

Tự nhủ với lòng “so với anh trai và đứa em út, mình có sức khỏe hơn” nên Tiếng ra sức phụ giúp gia đình để kiếm thêm thu nhập. Ngoài việc làm chổi để bán, anh còn hái lá rừng để bán. Khi cảm thấy trong người khỏe hơn, Tiếng nhận vé số đi bán thêm, rồi nhận bò của bà con họ hàng về nuôi để lấy bê. 

Thương ba mẹ, Tiếng nỗ lực hết mình để phụ giúp gia đình. Thế nhưng, vì nhiễm chất độc da cam nên mỗi khi thời tiết chuyển trời là toàn thân Tiếng lại tím tái, có khi bất tỉnh. Mỗi lần như thế, Tiếng phải ở nhà vài tháng để dưỡng sức. Tiếng chia sẻ: “Ước mơ của mình là tích lũy được ít tiền rồi đi học nghề gì đó dành cho người khuyết tật để sau này có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp thêm cho ba mẹ. So với thanh niên cùng trang lứa thì mình sức khỏe mình rất yếu nhưng so với những người bệnh tật thì mình vẫn còn may mắn hơn nên phải cố gắng hết sức”. 

Em Bùi Tấn Lân (18 tuổi), xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, cũng là nạn nhân chất độc da cam. Suốt 11 năm qua, em luôn là học sinh giỏi trường THPT Phạm Văn Đồng. Đôi tay bị tật nên cầm bút viết đã khó, thế mà năm học 2015 - 2016 Lân đã đạt giải 3 quốc gia môn Toán trên máy tính cầm tay. “Khi lên lớp, khó khăn nhất đối với em là làm bài kiểm tra các môn xã hội, vì tay em bị tật nên viết rất chậm. Với máy tính thì ngoài việc học trên trường, em còn được anh, chị chỉ dạy thêm nên khi làm toán em mới theo được các bạn bình thường”, Lân chia sẻ. 

Là con út trong gia đình và cũng là người duy nhất bị di chứng chất độc da cam/điôxin, song Lân may mắn hơn nhiều người khác khi đầu óc vẫn minh mẫn. Được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Lân được đến lớp như các bạn cùng trang lứa. Anh Bùi Tấn Chất, bố Lân cho biết: "Lân thuộc thế hệ thứ 3 của gia đình bị nhiễm chất độc da cam, tôi cũng đã đưa cháu đi các bệnh viện từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, trải qua nhiều lần phẫu thuật nên cháu mới có thể đi lại và cầm bút. Ngoài việc học, cháu không thể làm gì nên gia đình cũng cố gắng cho cháu học mong sao sau này có cái nghề để nuôi sống bản thân". 

Ngày hè nóng nực nhưng Lân miệt mài tự học để nắm vững những kiến thức cơ bản khi bước vào năm học mới. Lân tâm sự: "Đối với việc học em chưa bao giờ cảm thấy chán nản, tuy học muộn hơn các bạn cùng tuổi một chút nhưng em may mắn vẫn được đi học. Tay chân không làm được gì nhiều nên em dự định sẽ thi vào ngành công nghệ thông tin để sau này có được công việc phù hợp". 

Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 2.200 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở thế hệ thứ 2, thứ 3. Bên cạnh việc hỗ trợ, chăm lo của chính quyền, các tổ chức xã hội đối với các nạn nhân da cam, thì nghị lực vươn lên của chính họ là điều rất quan trọng.
Đinh Thị Hương
Xoa dịu nỗi đau da cam
Xoa dịu nỗi đau da cam

55 trôi qua, hậu quả từ thảm họa da cam do quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và sức khỏe của bao người. Hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam và các cá nhân, tổ chức đã góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cho những nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN