Bên cạnh đó, nguồn nước sụt giảm nhiều so với cùng kỳ và nếu nắng hạn kéo dài nguồn nước cạn kiệt sẽ không có nước chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả”, Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) tập trung quyết liệt phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2025, ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra.
Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết, vườn cập nhật, đánh giá và khoanh vùng trọng điểm, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực trọng yếu dễ xảy ra cháy; thực hiện các biện pháp cày, trục để làm giảm vật liệu cháy, tạo đường băng trắng cản lửa. Vườn đóng lán trại, bố trí các đội phòng chống cháy trực chiến 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, cắm các bảng cấm, dự báo cấp cháy để cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến cộng đồng dân cư, phân công lực lượng trực tháp quan sát 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm lửa rừng.
Tiếp đến, vườn thông báo thường xuyên, liên tục cấp dự báo cháy rừng ở mức IV, V, cấp cực kỳ nguy hiểm và các quy định, biện pháp an toàn sử dụng lửa trong rừng và ven rừng. Đơn vị chức năng tổ chức cho các hộ gia đình sinh sống gần rừng, ven rừng thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, khi phát hiện cháy rừng phải báo ngay cho lực lượng bảo vệ rừng gần nhất để kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy. Đồng thời, tuyên truyền trong hoạt động Câu lạc bộ xanh đối với các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn về phòng chống cháy.
Vườn quốc gia Phú Quốc phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, đơn vị chủ rừng diễn tập chữa cháy để các lực lượng tiếp cận với các tình huống chữa cháy, rèn luyện khả năng tổ chức chỉ huy, phối hợp chữa cháy rừng và kỹ năng sử dụng trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy. Vườn xây dựng, sửa chữa các tháp quan sát lửa rừng, kiểm tra giếng khơi, các đường cơ động và trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, đảm bảo tổ chức triển khai lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy rừng.
Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý diện tích rừng trải dài từ Bắc xuống Nam đảo bao gồm cả quần đảo Nam An Thới với diện tích 36.262 ha; trong đó, rừng đặc dụng 29.596 ha, rừng phòng hộ 6.666 ha, nằm trên địa bàn 6 xã và 2 phường của thành phố Phú Quốc. Vườn có 3 hệ sinh thái chính là rừng lá rộng thường xanh phân bố ở các đỉnh đồi, sườn đồi và đồi núi thấp; rừng tràm phân bố theo đồng bằng khô hạn và một vài nơi ngập nước theo mùa; rừng ngập mặn chủ yếu tập trung tại khu vực sông Rạch Tràm và phân bố rải rác ở các cửa sông, bãi biển.
Theo đó, trên địa bàn Vườn quốc gia Phú Quốc bố trí 81 giếng khơi phòng cháy chữa cháy rừng, 90 bồn chứa nước loại 2.000 lít/bồn, 10 bồn loại 5.000 lít/bồn, 2 téc nước di động loại 4.000 lít/téc, 4 bể xi măng thể tích 12 m³/bể được bố trí tại các địa điểm xung yếu dễ xảy ra cháy rừng và xây dựng 3 đập tràn trữ nước phục vụ công tác phòng chống cháy rừng. Vườn còn sử dụng nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, rạch và các khu vực gần biển để phục vụ công tác này.
Những nguy cơ gây cháy rừng trên lâm phần Vườn quốc gia Phú Quốc từ cộng đồng dân cư sinh sống ven rừng, đan xen với rừng và sống trong rừng, do sử dụng lửa sinh hoạt bất cẩn, tập quán sản xuất canh tác đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật, hút thuốc, đốt lấn chiếm rừng… Mặt khác, lớp thực bì dưới tán rừng dày tích tụ qua nhiều năm, nhất là những khu vực trảng cỏ tranh, cỏ đốt trúc, cỏ năng, cỏ lác, cây bụi, dây leo, rừng tràm và khi nắng nóng khô hạn kéo dài dẫn đến khả năng xảy ra cháy rừng rất lớn.
Cùng đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự đoán, mùa mưa kết thúc sớm, mùa khô hạn nắng nóng kéo dài, hầu hết các suối đều cạn kiệt nước, lượng nước ngầm giảm mạnh làm cho một lượng lớn cây bụi, thảm cỏ chết khô tạo nên lượng vật liệu cháy rất lớn, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và trên diện rộng rất khó kiểm soát.