Năm 2020, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai vừa tập trung phát triển kinh tế, việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội lại càng được cải thiện và mang tính nhân văn…
Việt Nam bước vào năm 2020 với đà tăng trưởng mạnh từ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 2/2020 đã gây ra những phức tạp, khó khăn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Dịch bệnh khiến hơn 31 triệu lao động bị mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; lực lượng lao động giảm 1,2 triệu người so với năm trước và dịch COVID-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.
Trong khi bệnh dịch rình rập, tình trạng mưa đá, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.
Trước khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Điển hình như với đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, một quyết sách chưa có tiền lệ của Chính phủ, đã kịp thời giúp đỡ và củng cố niềm tin của người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương. Tính đến cuối năm 2020, gói hỗ trợ này đã được giải ngân xấp xỉ 12,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 12 ngàn người và trên 3 vạn hộ kinh doanh. Trong đó, có gần 8 triệu người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí hỗ trợ trên 5,9 nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, năm 2020, cả nước có 1.096.987 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32,3% so với năm trước. Đến nay, trên 1 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền trợ cấp là 18,2 nghìn tỷ đồng với mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ điểm nhấn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trước dịch bệnh và thiên tai của Đảng, Nhà nước, nhìn tổng thể Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, mới thấy những con số thống kê phong phú về an sinh, phúc lợi cũng như lột tả hết những tiến bộ trong đời sống xã hội.
Nổi bật là diện bao phủ bảo hiểm xã hội đã được mở rộng, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 dự kiến đạt 32,7%. Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 8,2 bác sĩ năm 2016 lên 9 bác sĩ năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt khoảng 90,7%, tăng mạnh so với năm 2015 (76,5%), vượt mục tiêu đề ra (80%).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào cuối năm 2020, bình quân giảm trên 1,4%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không ngừng được cải thiện, nâng cao; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi).
Bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội vẫn còn những hạn chế như: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, công tác dạy nghề cho người nghèo, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đầy đủ. Chính sách xã hội đối với người lao động còn chưa được chú trọng đúng mức. Tại nhiều địa phương, nguồn lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa thật sự gắn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Song bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho cộng đồng là chiến lược, là kế hoạch dài lâu, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội mới đây, Chính phủ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo. Sẽ ưu tiên nguồn lực, bố trí đất đai, có cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp. Từng bước mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí. Chính phủ không bao giờ chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế. Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi…
“Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta. Ý Đảng - Lòng Dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, Đảng, Nhà nước nỗ lực bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm tính bền vững trong các chính sách dân số và phát triển, chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người, hướng đến việc làm bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân thông qua cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bền vững.
“Đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.