Vụ thủy điện gây ngập 62 hộ dân ở Kon Tum: 'Tối hậu thư' cho hai đơn vị thủy điện

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, đến ngày 15/7, nếu đơn vị nào không phối hợp với chính quyền địa phương công khai phương án đền bù thì Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung tạm dừng huy động công suất. Khi đơn vị đó đồng ý phối hợp, giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù thì sẽ huy động công suất trở lại.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi đánh giá những sai phạm trong quá trình vận hành và những thiệt hại gây ra cho 62 hộ dân tại xã Đăk Long và Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Sở Công Thương tỉnh phân định Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 5) phải chịu 60% và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi (chủ đầu tư hai Thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2) phải chịu 40% kinh phí đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc xả lũ của hai đơn vị này. Thời hạn đền bù, hỗ trợ thiệt hại phấn đấu trước ngày 30/7, chậm nhất là ngày 13/8. 

Chú thích ảnh
Một căn nhà tại thôn Đăk Wét, xã Đăk Pxi phải bỏ hoang do bị ngập lụt mỗi khi Thủy điện Đăk Psi 5 xả lũ. 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng cho biết, đến ngày 15/7, nếu đơn vị nào không phối hợp với chính quyền địa phương tính toán, công khai phương án đền bù thì Sở Công Thương sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung tạm dừng huy động công suất. Khi đơn vị đó đồng ý phối hợp, giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù thì sẽ huy động công suất trở lại.

“Đến 30/7, nếu đơn vị nào không phối hợp thực hiện, Sở Công Thương sẽ có báo cáo gửi Bộ Công Thương đề nghị Cục Điều tiết điện lực thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực để tạm dừng hoạt động của các thủy điện này cho đến khi chấp hành nghiêm đúng quy định do hành vi vi phạm của mình gây ra”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum Lê Như Nhất khẳng định.

Việc đưa ra tỉ lệ kinh phí đền bù cho Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân – Đăk Psi cũng như ấn định thời điểm phải hoàn tất việc đền bù thiệt hại cho người dân được xem là “tối hậu thư” của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum dành cho hai đơn vị này. Bởi trước đó, nhiều văn bản của Sở Công Thương cũng như của chính quyền địa phương yêu cầu bồi thường đều bị một trong hai đơn vị này từ chối phối hợp thực hiện.

Như TTXVN đã đưa tin, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020, 62 hộ dân sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 đã bị ảnh hưởng, nước ngập sâu, có nơi gần 2m, gây ra nhiều thiệt hại cho tài sản, hoa màu của người dân. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã xác định trách nhiệm thuộc về hai đơn vị là Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi. Vì vậy, hai đơn vị này phải thống nhất phương án cùng nhau hỗ trợ, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đến nay, việc đền bù vẫn chưa được thực hiện do Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi không đồng tình với kết luận của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Vụ thủy điện gây ngập 62 hộ dân ở Kon Tum: Nếu hai đơn vị thủy điện không thống nhất, Sở Công Thương sẽ vào cuộc
Vụ thủy điện gây ngập 62 hộ dân ở Kon Tum: Nếu hai đơn vị thủy điện không thống nhất, Sở Công Thương sẽ vào cuộc

Chiều 28/6, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, nếu Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 5) và Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân – Đăk Psi (chủ đầu tư hai Thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2) không đi đến thống nhất đền bù cho 62 hộ dân tại hai xã Đăk Long và Đăk Pxi bị ảnh hưởng, Sở Công Thương sẽ trực tiếp xử lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN