Vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Nam: Sức khỏe các nạn nhân tiến triển tốt

Sau hơn 3 ngày được đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam cứu chữa tích cực, đến nay sức khỏe 9 nạn nhân của 2 vụ ngộ độc thực phẩm ở huyện Phước Sơn đều có tiến triển tốt và ổn định.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị cho các Bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Nam. Ảnh: TTXVN phát

Thông tin trên được bác sĩ Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam cho biết ngày 21/3. 

Theo bác sĩ Tô Mười, đến sáng 21/3, trong 3 nạn nhân nặng phải thở máy có 2 người là Hồ Thị Tài (37 tuổi) và Hồ Văn Đại (26 tuổi) đã được rút máy thở. Nạn nhân Hồ Văn Điều (57 tuổi) vẫn đang được tiếp tục theo dõi.

Hiện bệnh viện có đủ các loại thuốc điều trị cho các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm; đồng thời giữ liên hệ hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội) để chỉ đạo điều trị. Đội ngũ y, bác sĩ của hai bệnh viện trên đánh giá cao công tác điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam.

Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, từ ngày 7-16/3 trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) xảy ra 2 ngộ độc thực phẩm làm 1 người tử vong, 9 người nhập viện cấp cứu.

Vụ ngộ độc thực phẩm xảy tại nhà bà Hồ Thị Nhương (55 tuổi, ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) xảy ra sáng 7/3, khi bà Nhương làm mâm lễ cúng đâm trâu và nấu ăn với lý do trong nhà có anh Hồ Văn Hát bị ốm nặng. Đến 13 giờ cùng ngày, lần lượt các bà Nguyễn Thị Thông, Trương Thị Thương, Hồ Thị Điệp và anh Hồ Văn Tý xuất hiện các triệu chứng đau đầu, người mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, lên cơn khó thở, mắt mờ… nên đã được người thân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu.

Sau quá trình điều trị ban đầu, 4 nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị. Đến ngày 13/3, bà Nguyễn Thị Thông đã tử vong tại bệnh viện. Ba người còn lại sức khỏe ổn định, ăn uống được, đang được điều trị tại bệnh viện. Qua xác minh, bữa ăn gồm các món như thịt lợn kho cá khô, cá chép muối ủ chua, canh cải nấu bí đỏ, mít xào và cơm.

Vụ ngộ độc thứ hai xảy ra lúc 12 giờ ngày 16/3 sau khi 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi) ở thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn. Các món ăn gồm cá chép muối ủ chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày, một trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc các triệu chứng tương tự.

Trong 5 người cùng ăn trưa, có một người không ăn món cá chép muối ủ chua thì không có biểu hiện ngộ độc. Sau khi đưa vào cấp cứu, các nạn nhân được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chẩn đoán ngộ độc Botulinum. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm.

Chia sẻ với hoàn cảnh người gặp nạn, ngay sau khi 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, chính quyền và các hội, đoàn thể của huyện Phước Sơn đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cụ thể cho các gia đình.

Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
Vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua: Ba bệnh nhân nặng có cải thiện tốt
Vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua: Ba bệnh nhân nặng có cải thiện tốt

Liên quan đến tình hình sức khỏe của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua tại tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, cả 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum mức độ nặng sau khi được truyền thuốc giải độc đều có cải thiện bước đầu khá tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN