Hạn hán, thiếu nước, rét đậm - rét hại được dự báo sẽ xảy ra trong mùa vụ đông xuân 2011, thêm vào đó là dịch bệnh trên cây trồng có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến: “Đánh giá kết quả sản xuất vụ mùa, sơ kết năm 2010 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2011 cho các tỉnh miền núi phía Bắc” để lên kế hoạch đối phó với những khó khăn này.
Thiếu nước trầm trọng
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, “Vụ đông xuân năm 2011 sẽ tiếp tục xảy ra thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng trên diện rộng ở vùng Tây Bắc, vùng núi phía Bắc và trung du Bắc bộ.
Các hồ thủy điện lớn và các hồ thủy lợi không tích được đầy nước, lượng mưa bổ sung không nhiều nên tình trạng khó khăn trong cấp nước và phát điện trong mùa đông xuân 2011 sẽ tiếp tục diễn ra căng thẳng trong nhiều tháng”.
Theo Tổng cục Thủy lợi, lượng mưa trung bình trong năm 2010 tại các khu vực vùng núi phía Bắc ít hơn so với mọi năm (bằng 88% so với trung bình mọi năm). Do vậy, tính đến ngày 30/12/2010, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn ở Bắc bộ đạt bình quân 78% mức thiết kế.
Trong các tháng mùa mưa không xuất hiện lũ lớn, còn từ tháng 11/2010 đến nay thì dòng chảy liên tục suy giảm và mực nước hạ thấp dần. Do vậy, mực nước và dung tích hữu ích của các hồ thủy điện cũng đang ở mức thấp, chỉ đạt 45 - 50% so với hàng năm.
“Vụ đông xuân 2010 - 2011 các tỉnh miền núi phía Bắc có kế hoạch tưới trên 254.000 ha. Có khoảng 10.000 - 20.000 ha sẽ thiếu nước trầm trọng, nếu không khắc phục được tình trạng này, đề nghị Cục Trồng trọt hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng ít sử dụng nước” - ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng quản lý tưới tiêu, Tổng cục Thủy lợi nói.
Theo ông Hiển, Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương bảo dưỡng và sửa chữa các công trình hư hỏng, tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, kênh trục chính, bể hút trạm bơm và làm thủy lợi nội đồng, đảm bảo dẫn đủ nước tưới đến mặt ruộng.
Đối với vùng có độ dốc, nước tự chảy thì tận dụng nguồn nước tự nhiên trong các sông, suối, khe lạch hiện còn dồi dào để tưới. Đặc biệt phải quản lý hồ chứa chặt chẽ, tuyệt đối không để nhân dân sử dụng nước hồ chứa chạy máy phát điện gia đình hoặc tháo nước bắt cá. Đối với vùng tưới bằng bơm, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để đảm bảo công suất và chất lượng điện phục vụ bơm tưới. Bố trí trực lấy nước 24/24 giờ, tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm.
“Nếu địa phương nào thiếu kinh phí nạo vét kênh mương thì lập báo cáo để trình Thủ tướng xem xét cấp bổ sung kinh phí” - ông Hiển cho biết.
Để lấy nước trong các đợt xả lũ từ các thủy điện, ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương: “Chuẩn bị nhân lực và hệ thống máy bơm, máy bơm lưu động để chủ động lấy nước đạt hiệu quả cao nhất trong khung lấy nước đổ ải đợt 1 từ ngày 27/1 - 2/2/2011 theo như kế hoạch đã thông qua với Tập đoàn Điện lực”.
Rét đậm - rét hại
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nền nhiệt độ vụ đông xuân năm 2011 tại Bắc bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với mọi năm, riêng tháng 1 và tháng 2/2011 xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15 độ C. Sẽ còn 3 - 4 đợt rét đậm nữa, trong đó có đợt kéo dài trên 10 ngày, tập trung vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2011.
Để đối phó với những khó khăn trên, ông Phan Huy Thông cho biết: “Đối với mạ vụ xuân sớm đã gieo, cần chủ động che phủ nilon, duy trì mực nước ruộng từ 1 - 2 cm, bón bổ sung tro bếp để giữ ấm đồng thời tăng cường khả năng chống rét cho mạ, những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C thì phải ngừng cấy lúa xuân sớm”.
“Đối với cây công nghiệp lâu năm như: Cao su mới trồng, để giảm tác hại của rét và hạn, cần tăng cường ủ gốc, vườn ươm cao su cần che chắn gió rét và phun nước lã vào sáng sớm để giảm tác hại của sương muối. Đối với cà phê, phải che phủ cây mới trồng, phun nước lã buổi sáng sớm để hạn chế tác hại của sương muối. Chủ động nguồn giống lúa dự phòng, đảm bảo chất lượng để gieo mạ bổ sung hoặc gieo thẳng kịp thời nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ” - ông Thông nói.
Dịch bệnh gia tăng
Theo ông Bùi Sĩ Doanh, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Hiện các giống lúa dễ nhiễm dịch hại đang được gieo trồng phổ biến, đồng thời, thời tiết trong năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp.
Do đó, xu thế dịch hại lúa sẽ tăng về diện tích và mức độ. Đặc biệt là đối với sâu cuốn lá nhỏ (rộ cuối tháng 2), rầy nâu - rầy lưng trắng (rộ cuối tháng 2), bệnh đạo ôn (rộ từ trung tuần tháng 3); nguồn bệnh lùn sọc đen phân bố rộng ở hầu hết các tỉnh trong vùng và có nguy cơ lây lan. Ngoài ra còn chuột, ốc bươu vàng... tiếp tục phát sinh và gây hại cục bộ”.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương bám sát cơ sở, theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh. Trước mắt, thực hiện vệ sinh đồng ruộng, lên phương án phòng chống dịch hại.
Đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch hại đến từng hộ nông dân, ứng dụng các chương trình IPM, chương trình 3 giảm 3 tăng, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) giúp cây khỏe, hạn chế sâu bệnh và đạt năng suất, hiệu quả cao.
“Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương, không để tăng giá, bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo “4 đúng”, ông Doanh nói.
Về phía Cục Trồng trọt, ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng đề nghị các chi cục trồng trọt phải theo dõi thường xuyên tình hình sâu bệnh trên mạ, đối với những địa phương có diện tích mạ bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen, cần tổ chức hủy bỏ và phun thuốc trừ rầy theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
Hữu Vinh