Do ảnh hưởng của lượng mưa lên đến 500 mm và diễn ra trong thời gian ngắn, 3 hồ chứa nước (hồ Đồng Đáng, hồ Thung Cối và hồ Cây Trầu - huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã bị vỡ và hư hỏng.
Lượng nước tích trữ trong 3 hồ kể trên có tổng dung tích lên đến gần 1 triệu m3 đổ ập xuống làm hơn 1.000 hộ dân ở 5 xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị ngập sâu trong nước từ 1-1,5m, có nơi ngập đến 2 m nước.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương Hoàng Văn Thắng đã tiếp cận xã Trường Lâm (một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 10). Khi vào được đến địa bàn xã, nước vẫn còn ngập mấp mé mái nhà các hộ dân.
Ông Đỗ Thế Thống , Chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết: Từ đêm 30/9, mưa ở đây to cộng gió lớn. Nước dâng lên quá nhanh. Đến 3 giờ sáng 1/10, nước lớn đã làm hồ Đồng Đáng bị vỡ. Nước lũ nhấn chìm 500 hộ dân ở 7/13 thôn trong xã. Trâu, bò, lợn gà của bà con cũng bị nước lũ cuốn trôi hết. Lực lượng cứu hộ của xã đã phải khẩn trương di dời 200 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Xã cũng tổ chức bữa ăn cho nhân dân, bảo đảm không có hộ, nhân khẩu đứt bữa do mưa lũ; triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Khi đến nhà ông Hoàng Quốc Toàn ở thôn Trường Thủy (một trong những nhà bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 10 vừa qua), có thể thấy căn nhà của ông Toàn bị xiêu vẹo như muốn đổ sập xuống sau cơn bão. Bùn đất ngập tràn hết vào trong nhà của ông Toàn đến gần 10cm, tất cả đồ đạc đã phải kê lên cao và đưa lên tầng 2. Ông Toàn nghẹn ngào nói: "Nhà tôi mất hết rồi các chú ơi, mới làm trang trại nuôi được 400 con gà nhưng nước lũ đã cuốn trôi hết cả. Sắp tới không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng đây".
Đến trưa 1/10, các hộ dân bị ngập nước ở các xã Trường Lâm, Tùng Lâm, Mai Lâm đã được di chuyển đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hộ tập trung trợ giúp 120 hộ dân xã Tân Trường di chuyển đến nơi an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người. Theo các chiến sỹ cảnh sát giao thông, mưa lũ đã cuốn trôi 3 xe máy và 1 ô tô khi đi qua đường tràn nước, rất may không có thiệt hại về người.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tổng lượng mưa lên tới 340mm-450mm, có nơi lên tới gần 800mm. Toàn huyện có 1.000 ha lúa, 900 ha lạc vụ đông, 600 ha rau màu, 15 ha đồng muối bị ngập. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 2 học sinh là các em Nguyễn Lương Nguyên (sinh năm 2001), ở thôn Mỹ Hưng và Mai Kim Quang (sinh năm 2001), ở thôn Ổn Lâm, đều thuộc xã Công Bình, huyện Nông Cống.
Trên tuyến Quốc lộ 1A từ Xuân Lâm đến Trường Lâm nước tràn qua đường tại nhiều điểm, có nơi sâu tới 0,5m, đường 513 qua xã Nghi Sơn bị sạt lở ba đoạn, tổng chiều dài 800m. Trước tình hình trên, tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ mang 73 xuồng cùng 450 thùng mì tôm, 100 thùng nước khoáng, các nhu yếu phẩm cần thiết trợ giúp nhân dân vùng lũ.
Đánh giá cao nỗ lực phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ của tỉnh Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã lưu ý lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra hồ đập nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố nảy sinh để có hướng xả lũ kịp thời, hợp lý, tránh gây ngập cho vùng hạ lưu.
Chiều 1/10, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng các ngành liên quan đã có buổi làm việc tại huyện Tĩnh Gia, nắm tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra, triển khai công tác cứu hộ, cứu trợ ban đầu và chỉ đạo lực lượng vũ trang cùng các ngành tiếp tục bám địa bàn, hỗ trợ di chuyển toàn bộ số dân vùng ngập nước đến nơi an toàn như công sở, trường học, trạm y tế; thực hiện cứu trợ kịp thời, bảo đảm không có hộ đói, khát, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đức Phương - Duy Hưng - Hoa Mai