Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động dự án. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Tham dự buổi lễ có Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Ủy viên Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam; bà Lee Myion, Công sứ Đại sứ quán Đại Hàn dân quốc tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Kim Jinoh, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cùng đại biểu các bộ, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bình Định.
Các cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam đã để lại một số lượng bom mìn, vật nổ đa dạng và hết sức nguy hiểm cho cuộc sống người dân. Tổng diện tích ô nhiễm là 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% diện tích đất của cả nước. Hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương do vật nổ còn sót lại kể từ khi chiến tranh kết thúc. Quảng Bình và Bình Định là hai tỉnh có mức độ ô nhiễm và số lượng nạn nhân cao cũng như số lượng các biện pháp can thiệp còn hạn chế. Hiện diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Bình Định chiếm hơn 40% diện tích toàn tỉnh, có khoảng 3.000 người thương vong do bom mìn gây ra; tại Quảng Bình con số này là gần 28% diện tích và gần 6.000 người. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn nhằm đảm bảo sự bình yên, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” sẽ được triển khai tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 12/2020. Dự án do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với nhà tài trợ KOICA và UNDP tại Việt Nam triển khai thực hiện. Dự án triển khai nhằm loại trừ triệt để ảnh hưởng của bom mìn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, năng lực quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ được nâng cao; nạn nhân bom mìn sẽ được hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lee Myion cho biết: Chính phủ Hàn Quốc, thông qua Tổ chức KOICA cam kết tài trợ 20 triệu đô la Mỹ cho dự án này. Dự án đánh dấu một mốc quan trọng trong tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Thông qua dự án, sẽ giúp hiểu rõ hơn những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt và cùng nhau nỗ lực vượt qua những thách thức để đưa hai dân tộc đến gần nhau hơn. KOICA cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ Việt Nam để dự án có thể góp phần tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của nhiều người dân ở miền Trung Việt Nam.
Trung tướng Lê Hiền Vân nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh và Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn đánh giá cao sự phối hợp của KOICA, UNDP với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh, vì mục tiêu cao cả và nhân văn. Trung tướng Lê Hiền Vân đề nghị các đơn vị, cơ quan và địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện và tập trung triển khai thực hiện dự án nghiêm túc kế hoạch, tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Đây là một trong những dự án rà phá bom mìn bằng nguồn tài trợ nước ngoài có quy mô tương đối lớn. Dự án khắc phục hậu quả bom mìn có tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt đối với người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh. Dự án sẽ phát huy năng lực khắc phục hậu quả bom mìn mà Việt Nam đã xây dựng, tiếp tục nâng cao, mở rộng trình độ chuyên môn và chia sẻ với các nước khác trong khu vực và trên toàn cầu.