Với bất kỳ ai, một ca phẫu thuật tim mạch luôn là một thử thách phức tạp, và đối với một người nước ngoài lớn tuổi, không hiểu ngôn ngữ bản địa cùng nhiều hạn chế khác, khó khăn ấy còn lớn hơn gấp bội. Ở thời khắc đó, điểm tựa lớn nhất của người phóng viên Cuba lão luyện, bên cạnh người bạn đời cùng một con số không nhiều đồng bào Cuba và bạn bè Việt Nam, chính là quan hệ hữu nghị khăng khít giữa TTXVN và PL, một hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ thủy chung, son sắt giữa hai quốc gia và hai dân tộc.
Xuyên suốt lịch sử hơn 60 năm quan hệ Việt Nam - Cuba, lãnh đạo hai nước đã nhiều lần khẳng định tính chất đặc biệt và “mẫu mực” tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Với hai quốc gia có tiềm lực kinh tế khiêm tốn và xa xôi về địa lý, tính chất đặc biệt ấy không đến từ trị giá của các “gói viện trợ” hay sự tương đồng về văn hóa và thuận lợi trong giao thương. Tính chất đặc biệt ấy đến từ khát vọng chung về quyền tự quyết vận mệnh của mỗi dân tộc và sự tương đồng trong con đường mà hai dân tộc đã chọn để hiện thực hóa khát vọng đó, chắc chắn rồi; nhưng nó còn đến từ những giúp đỡ chí tình, những sẻ chia thực sự vào đúng những thời khắc gian khó nhất, khi mà những điều bình dị, đời thường sẽ trở nên trân quý và vô giá, như những viên than hồng được trao trong tuyết lạnh.
Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong những năm đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, Cuba đã gửi tặng Việt Nam đường, bò sữa và những công trình xây dựng cơ bản có tầm quan trọng chiến lược, và thậm chí đã có những chuyên gia quân sự, y tế, xây dựng Cuba đã thực sự hiến dâng cả máu của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, đúng như lời tuyên bố hào hùng của Tổng tư lệnh Fidel Castro; hay gần đây nhất, nước bạn cũng đã chuyển cho Việt Nam vaccine ngừa COVID-19 ở thời điểm dịch bệnh bùng phát khi mà cả thế giới cùng tìm kiếm nguồn cung sản phẩm y tế chiến lược này.
Về phía mình, Việt Nam đã lên tiếng tại mọi diễn đàn có thể, để ủng hộ sự nghiệp cách mạng Cuba và cuộc đấu tranh chống cuộc bao vây cấm vận kinh tế dai dẳng mà nước bạn phải gánh chịu, cũng như đã gửi tặng nhiều chuyến tàu gạo và nhiều sản phẩm trọng yếu khác đúng vào những lúc “Hòn đảo tự do” thiếu hụt lương thực nhất và bị hạn chế mọi bề bởi cuộc bao vây cấm vận. Mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam vẫn luôn vui mừng, tự hào trước mỗi thành công của nước bạn, hay lo lắng, xót xa trước nhưng khó khăn, nghịch cảnh và sẵn lòng tự nguyện quyên góp trong các đợt vận động ủng hộ người bạn phương xa ấy.
Đối với chúng tôi, những người may mắn được chứng kiến, dõi theo và “sống” trong mối quan hệ đặc biệt đó, thì những trợ giúp thực sự từ trái tim ấy không chỉ đến từ những giai thoại lịch sử, những câu nói bất hủ và cô đọng, mà còn thể hiện qua những sự việc chợt đến, để sau này chúng trở thành những kỷ niệm không thể nào quên.
Sáng sớm tinh mơ một ngày trong tuần, khi phố phường Thủ đô còn chưa thực sự tỉnh giấc, cửa phòng khám tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đông chật người bệnh xếp hàng chờ khám. Vợ chồng phóng viên Moisés Pérez có phần lúng túng khi đi qua những dãy ghế chờ và bước vào phòng khám. Có thể hiểu được cảm giác hồi hộp của người phóng viên kỳ cựu từng thường trú tại nhiều quốc gia ấy trong lần “thâm nhập thực tế” bất đắc dĩ này: dù đã ngoài 60 tuổi, ông chưa bao giờ trải qua lần phẫu thuật nào ngoại trừ một tiểu phẫu khi còn nhỏ, và mọi chỉ dẫn về sức khỏe trước đó mà ông nhận được đều là từ các bác sĩ đồng hương Cuba.
Nhưng thái độ ân cần trong giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã nhanh chóng trấn an ông; và sau những chỉ dẫn tường tận, buổi khám đầu tiên khép lại với câu hứa ngắn gọn của người Giám đốc Bệnh viện đồng thời là một chuyên gia tim mạch đáng kính dành cho bệnh nhân người Cuba được Bộ Y tế giới thiệu nhờ giúp đỡ theo đề xuất của TTXVN: “Bệnh viện sẽ tạo điều kiện hết sức cho đồng chí”.
Lời cam kết ấy đã nhanh chóng được thực hiện. Bệnh viện Đại học Y đã dành cho phóng viên Moisés Pérez những cơ chế ưu đãi chắc hẳn rất hiếm có cho một bệnh nhân nước ngoài, và đích thân Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu đã trực tiếp tiến hành buổi chụp mạch tổng thể để sẵn sàng can thiệp đặt stent, bất chấp việc có thể muộn chuyến công tác địa phương quan trọng đã sát giờ. Khi xác định tình trạng động mạch của bệnh nhân phức tạp hơn dự kiến và phải tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục tham gia giám sát ca mổ kéo dài tới hơn 6 giờ đồng hồ diễn ra hơn một tuần sau đó.
Trong quá trình chuẩn bị ca mổ, một phiên dịch đã được đặc cách cho phép vào phòng mổ để đồng hành cùng phóng viên Moisés Pérez cho tới thời điểm gây mê, có lẽ không chỉ bởi vì rào cản ngôn ngữ, mà còn để giúp ông ổn định tâm lý trước thời khắc quan trọng tại một không gian lạ lẫm. Những ngày hồi phục hậu phẫu sau đó, bệnh nhân Cuba luôn được hưởng những điều kiện tối ưu và sự quan tâm chăm sóc chu đáo của bác sĩ phẫu thuật Vũ Ngọc Tú, bác sĩ nội Lê Văn Tú cùng đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thậm chí cả từ những bệnh nhân Việt Nam khác xung quanh, khiến ông luôn có cảm giác thân thuộc như ở nhà.
Phóng viên Moisés Pérez nhớ lại: “Tôi tỉnh lại từ cơn mê sau phẫu thuật với tiếng những tiếng gọi “Moisés, Moisés!” của các bác sĩ, những người thậm chí còn bật sẵn cả bài hát Guantanamera (bài hát dân gian nổi tiếng của Cuba) dành riêng cho tôi. Từ thời khắc đó, tôi biết mình đã sống lại! Trong thời gian phục hồi cách ly (24h sau khi mổ) các bác sĩ luôn bật dòng nhạc Latinh để tôi tỉnh táo hơn, thật cảm động! Những ngày sau đó tại bệnh viện, không có giây phút nào tôi không cảm nhận được sự chăm sóc tận tình chu đáo của các bác sĩ, y tá nơi đây, còn người bệnh nhân giường bên, khi biết tôi là người Cuba, thậm chí còn mời tôi uống trà và chia sẻ đồ ăn, vì muốn “người anh em Cuba” biết về ẩm thực Việt Nam…
Một thời điểm khác không thể nào quên trong những ngày ở bệnh viện là khi Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang tới tận giường bệnh thăm tôi. Chị nhìn vào mắt tôi và nhẹ nhàng nói: “Chúng tôi đã giữ lời, bây giờ, hãy chóng khỏe nhé, Moisés!”. Chỉ cần những lời ngắn gọn đó cũng khiến tôi hiểu thấu những nỗ lực hết mình và tình cảm trân quý của lãnh đạo và các đồng nghiệp TTXVN”. Nhà báo Cuba còn bông đùa rằng từ nay ông phải bổ sung hồ sơ cá nhân với dữ liệu ngày sinh thứ 2 là ngày 24/7/2023 tại Hà Nội, sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội “tái sinh”.
Trong chuyến thăm đó, xúc động trước sự tận tâm của tập thể y, bác sĩ nơi đây, Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nước bạn Cuba còn nhiều khó khăn do nhiều năm liên tiếp chịu cấm vận, sự giúp đỡ của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội càng trở nên quý báu. Chúng tôi, những người làm báo TTXVN, và các đồng nghiệp Cuba sẽ không bao giờ quên lòng nhân ái và tài năng chuyên môn của các y, bác sĩ”.
Trong những ngày đầu tiên sau khi phóng viên Moisés Pérez được phát hiện vấn đề sức khỏe và khi phương án điều trị vẫn chưa được xác định, chúng tôi đã có những trao đổi cá nhân với một đồng nghiệp của PL. Để trấn an người bạn lâu năm đó, người viết đã thành thực chia sẻ “Hiện tại có nhiều điểm chưa rõ ràng, nhưng tôi tin chắc lãnh đạo TTXVN sẽ cố gắng hỗ trợ Moisés tối đa có thể!”, và rồi câu trả lời thậm chí còn mang tính an ủi lớn hơn: “Điều đó thì chúng tôi (PL) luôn tin tưởng chắc chắn; chúng tôi biết rõ rằng nếu một ngày nào đó “cả thế giới” có bỏ rơi chúng tôi, thì chúng tôi vẫn còn TTXVN bên mình”. Xin nhắc lại, đó chỉ là một cuộc trò chuyện cá nhân và hoàn toàn tự nhiên.
Đó chính là tình cảm, tinh thần và niềm tin mà Việt Nam và Cuba nói chung, cũng như TTXVN và PL nói riêng dành cho nhau. Mỗi một nhà báo TTXVN tại Cuba luôn có PL đồng hành, sát cánh; và từng nhà báo PL tại Việt Nam luôn tìm thấy ở TTXVN điểm tựa vững chắc về mọi mặt.
Ngày phóng viên Moisés Pérez xuất viện, chúng tôi vui mừng không chỉ trước thành công của ca phẫu thuật - điều này là quan trọng nhất, dĩ nhiên rồi - mà còn bởi thêm một lần chiêm nghiệm sức lan tỏa, thẩm thấu của tình đoàn kết thủy chung, vô tư, trong sáng Việt Nam - Cuba tới từng người dân của hai nước; và bởi niềm tin ngày càng chắc chắn rằng với tình cảm đó, nhân dân hai nước sẽ còn tiếp tục trao cho nhau “những viên than hồng trong tuyết lạnh”.