Việc làm đối với người chuyển giới

Do có những đặc thù về sức khỏe, tâm lý và trình độ nên người chuyển giới thật sự mong mỏi những chính sách để hỗ trợ họ có công việc làm phù hợp. Những chính sách đó trước mắt là tạo sinh kế cho nhóm đối tượng này, lâu dài là để bảo vệ quyền lợi về việc làm cho người chuyển giới nói chung.

 

Vòng luẩn quẩn


Một người chuyển giới kể về “công việc” của mình: Có chỗ nhận vào làm, từ 6 giờ sáng tới 11 giờ trưa, lương 70.000 đồng/ngày. Đâu ngờ công việc là trông giữ xe. “Trời ơi, người chích thuốc thì yếu, bưng cái xe không nổi. Bưng được 3 tiếng đồng hồ, hai tay rã xuống, mặt cắt không còn hạt máu. Về thở, nằm bệnh 2 ngày!”.


 

Biểu diễn thời trang là một trong những cách mưu sinh được nhiều người chuyển giới nữ lựa chọn.

 

Theo Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), sức khỏe yếu là thực tế và cũng là rào cản trong quá trình tìm việc của người chuyển giới nữ. Vì thể hiện bên ngoài và trên giấy tờ tùy thân của người chuyển giới thường là “đàn ông”, nên những công việc dành cho họ ban đầu thường khá “nam tính”. Trong khi đó, sức khỏe của những người chuyển giới không tốt lắm, nhất là những người đã sử dụng hoóc - môn, nên khó lòng kham công việc nặng. Và theo các chuyên gia của iSEE, về tâm lý, đặc biệt với những người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới nữ, thì mong muốn của họ là được làm các công việc liên quan đến thể hiện giới (biểu diễn, nghệ thuật, sân khấu, model, trang điểm, làm tóc...) cùng những công việc nhẹ nhàng, nữ tính.
Bên cạnh đó, học vấn cũng là một “vấn đề”. Theo điều tra của iSEE, có tới 31,7% những người chuyển giới được phỏng vấn cho biết họ bị “loại” khi xin việc vì không đủ bằng cấp, kinh nghiệm. Nhóm những người học vấn chỉ cấp 1, cấp 2 cũng là nhóm có tỷ lệ % cao nhất đã từng đi làm và hiện nay không có việc làm, hoặc công việc không thường xuyên. Trong khi đó, vì nhiều lý do, không nhiều người chuyển giới theo học được ở bậc cao. Thực tế, có không ít người chuyển giới nữ đã phải bỏ học từ rất sớm vì bị kỳ thị trong môi trường học đường.


Và khó khăn cơ bản nhất đối với người chuyển giới trong tìm việc là sự kỳ thị của xã hội. Theo điều tra của iSEE, những người thể hiện nữ (mặc, trang điểm giống nữ giới), phải làm các công việc không thường xuyên nhiều hơn, thu nhập thấp hơn.


Hai vòng tròn luẩn quẩn về sự nghèo đói của người chuyển giới đã được các chuyên gia iSEE chỉ ra: Kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không theo học được bậc cao, từ đó không có bằng cấp, khó xin việc làm. Vì phải làm những việc bị xã hội dè bỉu nên càng bị kỳ thị và nghèo đói. Người chuyển giới không thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và giới tính ghi trong lý lịch, nên việc làm nhận được là những việc dành cho nam giới. Không làm được do sức khỏe yếu, họ đành bỏ việc hoặc mất việc. Và nghèo đói cũng lại là điều không tránh khỏi.


Hỗ trợ trước mắt và lâu dài


Trả lời phỏng vấn sâu về những công việc mong muốn được làm, những đối tượng khảo sát của iSEE dành nhiều sự quan tâm cho những công việc liên quan đến ca hát, biểu diễn thời trang, những công việc liên quan đến trang điểm, làm đẹp. Một phần đây là những việc không phân biệt “chủ - tớ”, phần khác vì đúng với tâm lý và biểu hiện giới của họ.


Tuy nhiên, thực tế hiện nay là những nhóm hát nhỏ lẻ của người đồng giới nữ đa phần tự phát, chưa có giấy phép biểu diễn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều “show” của họ bị dừng, cắt giữa chừng. Một người chuyển giới chia sẻ: “Để có được một show biểu diễn chúng em phải chuẩn bị rất nhiều. Phải đội tóc giả, trang điểm, rồi những thứ phụ tùng phía trong nữa. Mà đi diễn rất sợ, sợ công an, sợ người ta. Họ nói là không có giấy phép biểu diễn, nhưng mà xin giấy phép thì lại không cho”. Chính vì vậy, cộng đồng những người chuyển giới nữ thật sự mong mỏi hoạt động biểu diễn của họ được công nhận và cấp phép. Điều này bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi cho người đồng giới, còn là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình cũng như hỗ trợ đào tạo về chuyên môn cho các nhóm biểu diễn.


iSEE cũng đề xuất phương án đào tạo các nghề như làm tóc, trang điểm, biểu diễn... Thậm chí, cũng cần xây dựng và thử nghiệm các dự án thí điểm về tạo việc làm cho những người chuyển giới trên cơ sở liên kết đào tạo nghề với các cơ sở hiện có, hoặc đầu tư mở rộng các cơ sở có tiềm năng... Khó khăn của ý tưởng này chính là nguồn vốn.


Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trong trung và ngắn hạn. Về lâu dài, các nhà hoạt động xã hội nêu ý tưởng: Cần vận động đưa nhóm người chuyển giới vào một nhóm cần ưu tiên, lưu ý trong các chương trình phúc lợi của Nhà nước cũng như các dự án phát triển như một nhóm đã/đang bị đối xử thiệt thòi nên cần ưu tiên (vốn vay, dạy nghề...). Và để người chuyển giới không còn gặp các kỳ thị, cần các chương trình, giải pháp chống phân biệt đối xử và định kiến, bắt đầu từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội...


Thùy Hương

Việc làm đối với người chuyển giới - Bài 1: Xót xa sinh kế người chuyển giới
Việc làm đối với người chuyển giới - Bài 1: Xót xa sinh kế người chuyển giới

Sinh ra là nam, nhưng tâm hồn là nữ, những người chuyển giới (transgender) chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Việc làm là một trong những thách thức lớn nhất đối với họ, bởi cơ hội ít, công việc nếu có thì đa phần bấp bênh, thu nhập thấp và chịu nhiều phân biệt đối xử ở nơi làm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN