Về dư luận các tỉnh ĐBSCL "bắt tay" nới lỏng chấm thi tốt nghiệp: Người trong cuộc nói gì?

Ngay sau khi một số địa phương công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp năm 2011, có dư luận cho rằng một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã "bắt tay" nới lỏng chấm thi, nhất là môn ngữ văn. Có hay không sự chỉ đạo cho phép thỏa thuận ngầm giữa các địa phương để nâng điểm cho học trò? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chính những người trong cuộc là lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và giáo viên trực tiếp tham gia chấm thi tốt nghiệp tại các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Vùng 6 khu vực ĐBSCL cho biết: Tỉnh Đồng Tháp được giao chấm bài thi tự luận của TP.HCM. Ngay từ đầu chúng tôi đã chỉ đạo tất cả chủ tịch, phó chủ tịch bộ môn, các tổ trưởng và các giám khảo phải chấm theo đúng đáp án và biểu điểm của Bộ GD-ĐT. Tuyệt đối không vận dụng theo xu hướng nào khác. Chủ tịch hội đồng chấm thi có một cuộc họp riêng với các phó chủ tịch môn tự luận và tổ trưởng vào ngày 6/6/2011 đề nghị các phó chủ tịch và tổ trưởng điều hành trong quá trình chấm cần lưu ý nhắc nhở các giám khảo chấm trung thực theo đáp án của Bộ GD-ĐT.

Thống nhất cách hiểu đáp án

Học sinh và phụ huynh xem kết quả thi tốt nghiệp. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Khi được hỏi: Về dư luận cho rằng tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã có thỏa thuận "bắt tay" nới lỏng đáp án nhằm nâng điểm cho thí sinh, ông Nguyễn Hoàng Nhi cho biết: Các Sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL đã họp vào ngày 5/6/2011 tại thành phố Cần Thơ thống nhất triển khai 3 nội dung sau: Căn cứ vào đáp án của Bộ GD-ĐT đối với các môn thi tự luận, các Sở GD-ĐT thống nhất vận dụng đáp án hầu hết các môn trong phạm vi cho phép bởi vì nhiều thí sinh làm bài rất đa dạng và có những tư duy sáng tạo, do đó cần có sự thống nhất của các Sở GD-ĐT để cho điểm thi không chênh lệch nhiều giữa các tỉnh. Việc chấm thi phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh, có nghĩa là các em làm đúng theo đáp án thì việc chấm diễn ra bình thường, nếu các em làm bài chỉ 2/5 hoặc 3/5 của câu, hoặc các em làm bài với ý tưởng khác thì sẽ thống nhất cách cho điểm của câu đó. Không chấm quá chặt hoặc quá lỏng dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hoặc cao sẽ không phản ánh đúng thực chất. Tôi cho rằng dư luận họp tại Cần Thơ để thỏa thuận đáp án, nới rộng đáp án là không chính xác, cần phải nhìn nhận lại.

Bà Lâm Thị Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chấm thi tỉnh Bạc Liêu, bất bình nói: Dư luận trên là hoàn toàn không có cơ sở. Tại Bạc Liêu, khi chấm thi tốt nghiệp chúng tôi đã luôn chấm theo đáp án và bảng điểm của Bộ GD-ĐT. Đó là văn bản mang tính chất pháp qui cao nhất và tất cả các hội đồng trong tỉnh Bạc Liêu đã triển khai đầy đủ và nghiêm túc. Trước năm 2007, Bộ GD-ĐT qui định các tỉnh tự chấm thi và dư luận cho rằng giáo viên chấm bài thi của học trò mình thì tính chính xác không cao. Năm 2009, Bộ GD-ĐT đã phân công chấm chéo, việc chấm chéo có hiệu quả rất tốt, mang tính khách quan và không tạo áp lực cho giáo viên trong khi chấm. Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện một vài điều chưa thực sự hợp lý là cách chấm thi của các tỉnh có vẻ không đều tay, tỉnh thì chấm chặt, tỉnh thì chấm quá nới. Xuất phát từ tình hình đó, năm nay, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, đơn vị giữ vai trò trưởng cụm thi đua khu vực, đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các tỉnh ĐBSCL thống nhất cách hiểu đáp án trên cơ sở tổ chức một cuộc họp để thống nhất cách hiểu đáp án, tránh trường hợp các tỉnh hiểu đáp án khác nhau. Ngày 5/6, cán bộ sở của 11 tỉnh ĐBSCL tập hợp lại trên cơ sở được sự thống nhất bằng văn bản của Bộ GD-ĐT, tập trung nghiên cứu đáp án của Bộ GD-ĐT và triển khai thảo luận theo quan điểm của đáp án này. Thực tế, cuộc họp chỉ nhằm trao đổi, thống nhất cách hiểu đáp án để khi triển khai chấm không có sự chênh lệch. Thực chất không hề có sự thỏa thuận hay bắt tay nới lỏng đáp án khi chấm thi nhằm nâng điểm cho thí sinh như dư luận trong hai ngày qua.

Năm nay, trong tổng số hơn 7.000 bài thi môn ngữ văn mà Bạc Liêu chấm thi của thí sinh Trà Vinh chỉ có 20 bài lệch điểm và Sở GD-ĐT Bình Dương với vai trò là đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT cử đến yêu cầu chấm lại. Đồng thời trong số 20 bài lệch điểm yêu cầu chấm lại có 16 bài được đề nghị nâng điểm, 4 bài thanh tra đề nghị hạ điểm trong mức 0,5 điểm. Điều này chứng tỏ rằng không có hiện tượng nới lỏng đáp án tại Bạc Liêu.

Kết quả thi tốt nghiệp năm học 2010 – 2011 của tỉnh Bạc Liêu là 95,48% học sinh đậu tốt nghiệp THPT và 64,15% đậu tốt nghiệp bổ túc THPT. Trong đó, 91/4.495 thí sinh đạt loại giỏi, 482/4.495 thí sinh đạt loại khá, điểm thi cao nhất là 57 điểm, riêng hệ bổ túc có 1/851 thí sinh đạt loại giỏi và 6/851 thí sinh đạt loại khá. Tỉnh Bạc Liêu có 18 trường THPT, đợt thi tốt nghiệp này có 17 trường đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 90%. So với năm học 2009 – 2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của tỉnh Bạc Liêu năm nay cao hơn hẳn, hệ THPT đạt kết quả cao hơn năm trước gần 10% (2009 – 2010 tỷ lệ đậu tốt nghiệp 85,5%), hệ bổ túc cao hơn gần 28% (36,2%).

Chấm thi đúng đáp án của Bộ

Thầy giáo Trần Thanh Nhanh, giáo viên dạy môn Văn Trường THPT Văn Ngọc Chính (Sóc Trăng), tổ phó tổ chấm Văn và trực tiếp chấm thi môn Văn: Tôi tham gia chấm thi môn Văn đã hơn chục năm nay, khi tham gia chấm bài, bất cứ giám khảo nào cũng phải theo đáp án và hướng dẫn của Bộ. Để thống nhất việc chấm điểm trong hội đồng, năm nay, tổ tôi thực hiện việc chấm chung 15 bài thay vì những năm trước đây chỉ có 10 bài. Khi chấm, giám khảo phải vận dụng kiến thức vốn có, kinh nghiệm giảng dạy, chấm bài công bằng dựa trên nền đáp án hướng dẫn của Bộ đưa ra. Chấm bài của thí sinh tỉnh khác nên không có áp lực phải nâng điểm mà chỉ có mệt vì phải tập trung cao độ để chấm vì số lượng bài rất nhiều.


Bà Đoàn Thị Bẩy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010-2011, tỉnh Cà Mau có 7.297 thí sinh dự thi, kết quả tốt nghiệp đạt 93,16%. Để kỳ thi đạt kết quả tốt, Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo chấm thi theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đồng thời những bài mà thí sinh có sự sáng tạo hoặc cách viết khác với hướng dẫn chấm, các giám khảo cũng chủ động và linh hoạt vận dụng thang điểm và đáp án của Bộ để đảm bảo khách quan, công bằng, không gây thiệt thòi cho thí sinh.

Trước thông tin này, ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ xem xét, nghiêm túc xử lý, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thí sinh. Bộ không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn chấm thi của Bộ.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết: Ngày 5/5, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp gửi công văn đề nghị Bộ cho tổ chức cuộc họp gồm đại diện Hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ ở từng môn thi”. Xét thấy nội dung cuộc họp không trái các quy định của quy chế thi, ngày 20/5, Bộ có công văn đồng ý cho tổ chức cuộc họp và nêu rõ “phải tổ chức cuộc họp trên tinh thần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ chấm thi tốt nghiệp”.

Quy trình chấm thi tự luận

Bước 1. Làm phách
Bộ phận làm phách đánh số phách và cắt phách, niêm phong đầu phách trước khi giao bài cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi; chịu trách nhiệm bảo quản đầu phách và đảm bảo tuyệt đối chính xác, bí mật và an toàn khâu làm phách.

Bước 2. Nghiên cứu
Hướng dẫn chấm thi Tổ trưởng, phó tổ trưởng tổ chấm thi phải có mặt trước khi chấm thi một ngày để nghiên cứu trước bản Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và chuẩn bị cho việc chấm thi của tổ.
Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện.
Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT thì lập biên bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ GD-ĐT.

Bước 3. Chấm thi
Giám khảo chấm thi, đánh giá và cho điểm các bài thi theo đúng Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT. Mỗi bài thi tự luận phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân.
Tổ trưởng tổ chấm thi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các giám khảo trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 giám khảo thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm của bài thi trên phiếu chấm cá nhân của 2 giám khảo đó, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân, kết quả xử lý thống nhất của 2 giám khảo nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm quy chế.
Bộ GD-ĐT điều động các đoàn chấm thanh tra làm việc độc lập với Hội đồng chấm thi, thực hiện chấm thanh tra theo tiến độ chấm của các tổ chấm thi khoảng 5% số bài thi đã chấm để phát hiện những sai lệch (nếu có) và đề nghị bằng văn bản với lãnh đạo Hội đồng chấm thi nhằm điều chỉnh kịp thời việc chấm thi của các giám khảo ở các tổ chấm thi.

Bước 4. Lên điểm
Phải đối chiếu, kiểm tra, xác nhận sự thống nhất giữa điểm trên bài thi với điểm ghi trong các biên bản. Khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính.
Nguồn: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục- Đào tạo)


Hoàng Hoa, Lê Vân và nhóm PV


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN