Vé khan, tăng giá vô tội vạ
Cách đây hơn 2 tuần, tại bến xe miền Đông, nhiều hãng xe dán thông báo vé Tết ngày cao điểm (23 - 29 Tết) đã hết. Cùng với đó, các hãng đồng loạt tăng mức cước từ 20 - 60% với lý do phụ thu chiều rỗng xe chạy vào TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, giá vé về Quảng Ngãi tại bến xe miền Đông khoảng 500.000 đồng/người/chuyến thì vé bên ngoài bến được đẩy lên 700.000 - 800.000 đồng/người/chuyến. HTX Vận tải dịch vụ và du lịch Sài Gòn tăng vé về Thái Nguyên từ 890.000 đồng/người lên 1,3 triệu đồng/người. Công ty TNHH An Bình tăng vé về Thái Bình từ 930.000 đồng/người lên 1,5 triệu đồng/người...
Hành khách phải chen lấn, xô đẩy để mua vé về Tết. |
Tại các bến xe ở Hà Nội, các nhà xe cũng tăng giá vé từ 10 - 40%, họ lý giải vì chiều đi phải chạy xe rỗng và các Sở Giao thông Vận tải ở đầu đi đã cho phép. Từ ngày 28/1 (19/12 Âm lịch), hành khách phải chen lấn vào phòng vé để mua vé về quê ăn Tết, nhưng nhiều nhà xe đã thông báo hết vé. Ngày 2/2, tại bến xe Lương Yên, xe Hoàng Long chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Lạng Sơn (xe biển số 79D - 5667) qua bến Lương Yên để đón khách niêm yết giá vé 1.320.000 đồng, tuy nhiên nhân viên xe này cho biết ngày thường giá vé là 1.000.000 đồng/người. Hành khách Xuân Thái, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội về Hải Phòng ăn Tết. Chúng tôi hỏi về giá vé, sinh viên này lắc đầu nói: “Tết năm nào các nhà xe cũng tăng giá. Để về kịp Tết thì hành khách đành phải chấp nhận?”.
Tại bến xe Giáp Bát, lúc 16 giờ ngày 2/2, hành khách Trần Tuấn Hải bức xúc cho biết, đi xe tuyến Hà Nội - Điện Biên, nhà xe Đức Luật không chỉ tăng giá vé mà còn nhồi nhét khách. Khi không đồng ý đi xe nữa, anh Hải còn bị nhà xe bắt phải trả 30.000 đồng mới cho lấy hành lý. Sau khi anh Hải phản ảnh và được lực lượng chức năng của bến xe can thiệp, thì nhà xe Đức Luật mới chịu trả hành lý.
Giá vé tàu ngày Tết cũng không hề rẻ. Tàu Thống nhất chặng Sài Gòn - Hà Nội ngày 3/2/2016 (25 Tết) có giá lên đến 2,07 triệu đồng/vé (ngày thường chỉ gần 1,6 triệu đồng/vé), riêng ghế phụ cũng đã là 966.000 đồng/vé (ngày thường là 541.000 đồng/vé).
Ngày 28/1, xe Ngọc Chinh chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội nhồi nhét khách chật kín cả lối đi. |
Cao hơn cả vẫn là vé máy bay. Hãng Vietnam Airlines, niêm yết giá vé hạng phổ thông chặng TP Hồ Chí Minh về Vinh ngày 7/2 (28 Tết) là giá 3,5 triệu đồng/vé, chưa bao gồm thuế và phí. Còn hãng Vietjet Air chặng TP Hồ Chí Minh về Vinh từ ngày 2/2 - 10/2 thông báo hết vé. Thế nhưng khi điện thoại cho đại lý Hương Việt (quận Bình Thạnh) thì được thông báo vẫn còn vé đi Vinh ngày 7/2 với giá 3,6 triệu đồng/vé vào các giờ 18 giờ 25 phút, 18 giờ 45 phút. Tương tự, vé từ TP Hồ Chí Minh về Vinh của hãng Jetstar đã bán hết trước đó hơn 1 tháng nên trên hệ thống bán vé điện tử của hãng này không còn cập nhật lộ trình TP Hồ Chí Minh - Vinh. Đại diện một đại lý của Jetstar cho biết, lượng khách về Vinh đông nên vé mau chóng được bán hết, các đại lý cũng không còn vé.
Không chỉ tăng giá vé, các nhà xe còn nhồi nhét “thượng đế” vô tội vạ, có nhiều xe chở gấp đôi số người. Tại bến xe Mỹ Đình, xe biển số 15B - 00475 của nhà xe Ngọc Chinh chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội nhồi nhét khách ngồi chật kín cả lối đi lại. Nhà xe thanh minh “Hành khách tự nguyện lên xe chứ không bị ép buộc, lôi kéo”. Khi lực lượng kiểm soát bến quyết liệt xử lý thì nhà xe này mới chịu hạ tải và ký vào biên bản vi phạm... Giám đốc bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Quốc Uy cho biết: “Dịp Tết nhu cầu đi lại của hành khách rất lớn, lợi dụng vấn đề này nhiều nhà xe đã tự ý tăng giá vé, nhồi nhét khách đi xe. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân đi xe về quê ăn Tết, bến sẽ làm quyết liệt, xử lý nghiêm những xe vi phạm. Chỉ tính mấy ngày vừa qua, 15 trường hợp vi phạm những quy định của bến xe đã bị xử lý”.
Khóc với vé giả
Lợi dụng nhu cầu về quê ăn Tết của người dân, các đối tượng giả danh nhân viên để làm vé xe, vé tàu, vé máy bay giả để bán. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trung bình mỗi ngày có vài trường hợp mua vé qua cò, không hợp lệ nên không lên được tàu. Ngành đường sắt đã khuyến cáo người dân không mua vé qua cò, chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt, mua trực tiếp tại các cửa bán vé của ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt Việt Nam.
Đáng thương hơn là tình cảnh hàng chục trường hợp công nhân làm việc tại quận 12, TP Hồ Chí Minh bỏ ra hàng chục triệu đồng mua phải vé máy bay giả. Theo phản ánh của chị Trần Thị Loan (sinh năm 1986, Nghệ An), chị mua 2 vé máy bay chặng bay từ TP Hồ Chí Minh - Vinh hãng Vietjet Air của đối tượng Hoàng Quốc Việt (ngụ quận 12) với tổng số tiền 2,2 triệu đồng và 3 vé chiều Vinh - TP Hồ Chí Minh cũng từ Hoàng Quốc Việt với số tiền 10,8 triệu đồng. Thế nhưng vé mà Hoàng Quốc Việt đưa lại không đúng chuyến bay và bị hủy sau đó. Thành thử, mọi hy vọng về quê ăn Tết đều tiêu tan. “Khó khăn lắm hai vợ chồng công nhân mới gom tiền mua vé máy bay về quê, ai cũng tràn đầy hy vọng được về thăm người thân nhưng không ngờ lại bị lừa như thế. Nhiều người làm cùng công ty cũng bị lừa như vậy...”, chị Loan xót xa.