Nhận định về thực trạng hành lang pháp lý hiện nay bà Nguyễn Vân Anh. Giám đốc CSAGA:cho biết: “Luật pháp hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục. Mặc dù Luật Lao động có đề cập nhưng vẫn chưa có định nghĩa. Khái niệm quấy rối tình dục đã có trong Bộ quy tắc ứng xử nơi công sở, nhưng khi chưa là luật thì nó không bắt buộc áp dụng. Do đó, tôi nghĩ rằng cũng phải xem xét lại trong ngay hệ thống pháp luật. Nếu quấy rối tình dục chỉ xử phạt hành chính thì chưa đủ sức răn đe”.
Ở khía cạnh khác, LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Nhiều quốc gia trên thế giới ban hành những quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ về xử lý các hành vi quấy rối tình dục. Theo đó, khi một người bị xâm phạm, tòa án sẽ căn cứ theo luật để xử lý và chế tài bằng tiền hoặc phạt tù.
“Còn tại Việt Nam, việc xử lý những vụ việc liên quan quấy rối tình dục còn rất rườm rà, nhiêu khê, khó tìm bằng chứng nên không có kết quả, có khi còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình của người tố cáo. Vì vậy, nhiều người dù là nạn nhân của quấy rối tình dục nhưng rất ngại và rất sợ tố cáo và đa số họ âm thầm chịu đựng và tìm cách lẩn tránh để được bình yên. Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc những kẻ thủ phạm vẫn đang tự do ngoài vòng công lý mà nghiêm trọng hơn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái về lâu dài. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có một chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục. Chẳng hạn như đối với cán bộ viên chức có hành vi quấy rối tình dục nơi công sở là vi phạm về mặt đạo đức vì vậy không nên bổ nhiệm người đó làm quản lý. Hành vi quấy rối tình dục phải bị chế tài về mặt hành chính, thậm chí là về mặt hình sự nếu có hậu quả nghiêm trọng”, LS Hậu cho biết thêm.
Còn bà Nguyễn Vân Anh cho rằng: “Việt Nam là nước đang phát triển, có rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải học để có thể phù hợp với một xã hội văn minh, tôn trọng quyền con người và tôn trọng pháp luật. Quấy rối tình dục cần được nhận diện, ngăn ngừa bằng cả dư luận xã hội, các nguyên tắc ứng xử với nhau và cả bằng hệ thống nghiêm minh của luật pháp”.
Trong bối cảnh bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang ngày càng được công chúng quan tâm, việc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xây dựng một công ước mới về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc là công cụ giúp các nước thành viên hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa và xử lý bạo lực, quấy rối tại nơi làm việc.
Theo bà Andrea Prince, chuyên gia về Luật lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam, nội dung dự thảo Công ước về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang được xây dựng có nhiều điểm mới nhằm bảo vệ tối đa quyền được làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh, bình đẳng của người lao động. Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hương, đại diện tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho biết: Với công ước này, người lao động, đặc biệt là lao động nữ được bảo vệ rộng hơn, toàn diện hơn. Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc không chỉ tại nơi làm việc, mà còn bao gồm cả không gian công và tư nơi diễn ra công việc; tại những nơi người lao động được trả lương hay nghỉ ngơi, dùng bữa; trên đường đi và về từ nơi làm việc; trong các chuyến công tác hay di chuyển liên quan đến công việc, trong tập huấn, sự kiện hay các hoạt động xã hội; trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công việc được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.
Công ước này cũng hướng vào nhiều đối tượng hơn, bao gồm: người sử dụng lao động, người lao động và các bên thứ 3 bao gồm đối tác, khách hàng, người cung cấp dịch vụ và công chúng… Đặc biệt, Công ước nhấn mạnh việc đảm bảo quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử với tất cả người lao động, bao gồm nữ lao động và người lao động thuộc các nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực và quấy rối như người trẻ, cao tuổi; người khuyết tật; người nhiễm HIV; người nhập cư… ở tất cả các ngành, cả trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức, thành thị và nông thôn.
Trong tháng 6/2018, đoàn đại biểu 3 bên của Việt Nam (đại diện Chính phủ Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động) sẽ tham dự Hội nghị hàng năm lần thứ 107 của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Thụy Sĩ. Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham gia thảo luận vòng 2 về dự thảo Công ước này. Bà Andrea Prince, việc xây dựng công ước này là bước quan trọng để thế giới việc làm không còn tình trạng quấy rối, bạo lực; đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam có thể tham khảo để ngăn chặn vấn nạn này.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo bà Nguyễn Vân Anh (CSAGA), để nạn nhân dám lên tiếng thì trước tiên xã hội cần rõ về khái niệm quấy rối tình dục, hậu quả của nó với các bên và với xã hội. Làm sao để mọi người hiểu rằng, đối với người bị quấy rối, xâm hại thì nỗi ám ảnh này có thể theo suốt cuộc đời. Hành vi không văn minh và vi phạm quyền con người này cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội tiến bộ. Khi nhận thức được như vậy thì người dân sẽ biết cách phòng chống để không trở thành nạn nhân cũng như không là thủ phạm của hành vi quấy rối tình dục.
Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngành công an cũng đã báo cáo với lãnh đạo thành phố về hành vi quấy rối tình dục hiện nay. Vừa qua, đơn vị cũng đã đến một số trường để chỉ dạy học sinh kỹ năng tự vệ cơ bản cho các em học sinh. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo cả hệ thống công an chứ không chỉ phòng Cảnh sát Hình sự, cùng phối hợp các cơ sở giáo dục, tham gia hỗ trợ học sinh để ngăn chặn sớm các hành vi xâm hại tình dục.
“Tuy nhiên, lực lượng công an có nhiệm vụ nhận diện, xử lý những kẻ có hành vi xâm hại tình dục để bảo đảm an toàn cho mọi người nhưng phụ huynh và các học sinh cũng hãy mạnh dạn phản ứng, liên tiếng về vấn nạn xâm hại tình dục để cộng đồng ủng hộ, đẩy lùi tội ác này”, vị đại diện này cho biết thêm.
Trong khi đó, một số tổ chức phi chính phủ đã triển khai một số dự án nhằm nâng cao tuyên truyền nhận thức hướng tới đối tượng dễ bị quấy rối tình dục. Đơn cử như Plan International Việt Nam đang triển khai dự án Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái tại huyện Đông Anh (Hà Nội) với mục tiêu tăng cường sự an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trong thành phố, cũng như tăng cường sự tham gia của các em vào quá trình xây dựng và quản lý thành phố. Dự án nằm trong khuôn khổ chiến dịch toàn cầu Vì em là em gái của Plan International, được triển khai giai đoạn 1 từ tháng 2/2014, và tới nay đã chuyển qua giai đoạn 2. Dự án hướng tới tác động thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong nhiều vấn đề liên quan tới an toàn của em gái tại nơi công cộng, trong đó có quấy rối và xâm hại tình dục nơi công cộng.
Còn tổ chức CARE Quốc tế phát động chiến dịch #March4Women để cùng chung tay với các đối tác và tổ chức trên khắp thế giới nhằm tôn vinh và cổ động phụ nữ đấu tranh cho quyền của chính mình. Tại Việt Nam, tổ chức CARE cũng mở đợt truyền thông nâng cao nhận thức xung quanh vấn đề bạo lực giới với trọng tâm là vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc và ảnh hưởng của nó đối với lực lượng lao động nữ thông qua chiến dịch truyền thông #March4Women được triển khai từ tháng 3/2018.
Đáng chú ý nhất là chiến dịch nhận thức được thúc đẩy trên truyền thông đại chúng gần đây là phong trào #metoo, khởi nguồn từ xì căng đan quấy rối tình dục của đạo diễn Harvey Weinstein. Qua chiến dịch này cho thấy số lượng nạn nhân khổng lồ và tác hại mà quấy rối tình dục gây ra cho phụ nữ.
Theo đại diện ILO tại Việt Nam, việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để không còn coi chủ đề quấy rối tình dục là vùng cấm và qua đó cũng xác định rõ hơn ranh giới giữa các hành vi được và không được chấp nhận. Thảo luận về quấy rối tình dục phải đổ lỗi và miệt thị nạn nhân mà đã chuyển sang thảo luận về việc xây dựng và thực thi các quy định, chính sách một cách hiệu quả để có thể bảo vệ cá nhân bị quấy rối thay vì lờ đi hành vi của kẻ quấy rối.