Vẫn chưa xử lý dứt điểm xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp

Mặc dù thành phố Hà Nội có kế hoạch tăng cường quản lý đất đai, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp trái phép nhưng nhiều vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Buông lỏng quản lý, nhiều vụ lấn chiếm


Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, dù đã có nhiều có gắng nhưng một số quận ven đô, huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công...


Đơn cử như Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Hà tiền thân là Công ty Đầu tư xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có địa chỉ tại phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm) có hàng nghìn m2 đất chuyển thành đất nhà máy, nhà xưởng và đất cho thuê trái quy định. Liên quan đến vấn đề đất đai của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho biết, ngày 24/8/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai đối với Công ty cổ phần đầu tư Việt Hà tại quận Bắc Từ Liêm. Sau khi có kết luận thanh tra, UBND thành phố đã chỉ đạo, giao UBND quận đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện của Công ty Việt Hà. Nếu Công ty này tiếp tục vi phạm sẽ báo cáo UBND thành phố. 


Trong năm 2017, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 194 vụ vi phạm trật tự đất đai xây dựng, đã xử lý 71/89 vụ vi phạm xây dựng, 18 trường hợp đang xử lý; đối với vi phạm trên đất nông nghiệp đã xử lý 89 trường hợp, còn 16 trường hợp đang xử lý.


Còn tại xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) có hàng chục nhà xưởng, cơ sở sản xuất, trụ sở công ty xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều. Các cơ sở sản xuất này đều trực tiếp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền xã cũng đã thiết lập các hồ sơ vi phạm, ban hành quyết định về xử phạt hành chính.

Dãy nhà cấp 4 lấn chiếm trên đất công tại tổ 2, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trong khi đó, khu đất giáp ranh tại khu tập thể Công ty thương binh Thanh Xuân, Bệnh viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh thuộc tổ dân phố số 2 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) rộng khoảng 400m2 bị một số đối tượng lấn chiếm làm nhà ở từ năm 2014. Ban đầu, các đối tượng làm tạm bằng cót ép, bạt nhựa, sau một thời gian không có sự can thiệp của chính quyền địa phương nên những đối tượng này xây dựng nhà kiên cố và chuyển nhượng trái phép. Ông Nguyễn Công Trình, Chánh Văn phòng UBND quận Nam Từ Liêm cho biết: Theo UBND phường Trung Văn báo cáo thì khu đất lấn chiếm, xây dựng trái phép tại tổ 2 là đất công. Quận sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra vi phạm cụ thể tại khu đất công bị lấn chiếm này để xử lý.


Thực tế kết quả giám sát về tình hình trật tự xây dựng của Hội đồng nhân dân (HĐND) Hà Nội cho thấy, tại các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn... việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của địa phương còn lúng túng, thậm chí, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm. Hầu hết các địa phương để xảy ra vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được làm thường xuyên. Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị còn thiếu.


Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định đình chỉ nhưng chính lực lượng thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương chưa quyết liệt dẫn đến các đối tượng cố tình vi phạm trật tự xây dựng.


Quy trách nhiệm cá nhân lãnh đạo xã, phường


Tại hội nghị giao ban của Thường trực Thành ủy Hà Nội với các quận huyện mới đây, liên quan công tác quản lý trật tự xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, đây là vấn đề nhức nhối đối với Hà Nội. Nếu các vụ việc được các xã, phường xử lý nghiêm ngay từ đầu thì đã không trở thành vấn đề nóng. Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công quy trách nhiệm về cho cá nhân lãnh đạo.


Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ các trường hợp cho thuê sử dụng đất công, đất nông nghiệp công ích tại các xã, phường, thị trấn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các vi phạm tái diễn, để tồn tại kéo dài không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm.


Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích đất nông nghiệp, đất công vi phạm tại các quận huyện là 590ha với 27.360 trường hợp. Phần lớn số vi phạm diện tích này liên quan xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích (chiếm hơn 41% số vụ). Trong đó, tồn tại tập trung ở các quận huyện như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai... 


Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai... Đối với những trường hợp sử dụng đất công, đất nông nghiệp công ích... các xã, phường, thị trấn cần rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái vi phạm; đồng thời, trên cơ sở thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đất đai, lập báo cáo và đề xuất giải quyết những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền để thành phố sớm có giải pháp xử lý phù hợp, triệt để. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền về Luật Đất đai và những chính sách liên quan nhằm nâng cao nhận thức.


Trong năm 2017, Thanh tra sở xây dựng Hà Nội cùng 30 thanh tra quận huyện đã tiến hành kiểm tra được 100% công trình xây dựng có địa chỉ, thời gian cụ thể. Đến nay, đã kiểm tra được 17.123 công trình. Trong đó, vẫn có 345 công trình vi phạm, và trong năm 2017 vẫn còn 122 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng trên đất công, không có giấy phép xây dựng, vẫn phải tiếp tục giải quyết. Đối với 345 trường hợp này, thanh tra xây dựng đã hoàn thiện các hồ sơ, gửi cho từng phương án gửi cho chính quyền địa phương và đã xử lý vi phạm được 70%. “Đồng thời, Sở Xây dựng đã ban hành được các kế hoạch cưỡng chế, tổ chức tháo dỡ…Xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị chính quyền, thanh tra xây dựng, Sở xây dựng”, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cam kết.


XC/Báo Tin tức
Hà Nội sẽ chỉ bán xăng E5 và RON95 từ 1/1/2018
Hà Nội sẽ chỉ bán xăng E5 và RON95 từ 1/1/2018

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, các doanh nghiệp đầu mối, các trạm phối trộn xăng E5 đã đảm bảo nguồn cung cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN