Từ tờ mờ sáng đã vội vã mang những chiếc gùi cồng kềnh theo chân bố mẹ lên nương, không mũ nón, không giày dép, có em mặc độc chiếc áo thun ngắn cũn cỡn mà leo qua từng dãy đồi khô cằn, nắng khét... đó là cảnh tượng thường thấy của trẻ em dân tộc thiểu số thuộc xã Pa Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Tuổi thơ trên nương rẫy
Xã Pa Tầng nằm tại khu vực biên giới Việt - Lào, cũng là nơi xa nhất trong 7 xã vùng Lìa của huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị. 97% dân số của xã là người dân tộc Vân Kiều, quanh năm chủ yếu chỉ biết làm nương rẫy. Tuổi thơ của trẻ em nơi đây vì thế cũng rất thiệt thòi, gắn liền với những chiều bẻ ngô trên nương, bắt cá dưới suối, gánh củi, trông em… ngay từ khi chỉ mới 5 tuổi.
Em Hồ Văn Tuấn (3 tuổi) giúp bố mẹ gặt lúa trên nương. |
Giữa cái nắng hè oi bức của tháng 7, chúng tôi tìm đến xã Pa Tầng theo lối đường rừng ngoằn ngoèo. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên, là trong bản chẳng có một ai, chỉ thấy lác đác vài ba người già và em nhỏ, hỏi ra mới biết mọi người đã đi làm rẫy từ lúc tờ mờ sáng.
Để tìm hiểu về cuộc sống của trẻ em nơi đây, chúng tôi liền theo chân em Hồ Thị Thép (học sinh lớp 6, Trường THCS Trung tâm cụm xã Pa Tầng), băng qua ba sườn đồi mới đến được “nương ngô”(theo cách em Thép gọi), tôi thở dốc nhìn những thân ngô thưa thớt, úa vàng xen với đám cỏ mọc quá mặt, những bắp ngô méo mó mà nhói lòng. Một buổi sáng Thép bẻ được gần ba chục bắp ngô cả già cả non, em cười tươi trong cái nắng như đổ lửa: “Hôm nay hái được nhiều, bắp non để luộc ăn, bắp già để bóc hạt phơi khô”. Nhiều hôm kiếm được 5, 6 gốc măng, vài ba trái thơm (dứa) em lại gù lưng gùi về, có khi 6 giờ tối mới về đến nhà. Những ngày không lên nương bẻ ngô, Thép vào rừng lấy củi hoặc ở nhà trông ba đứa em, đứa bé nhất mới hơn 1 tuổi. Với Thép mỗi ngày hè là một ngày lao động cực nhọc.
Một góc vườn là nơi vui chơi của trẻ em xã Pa Tầng. |
Trẻ em xã Pa Tầng làm quen với công việc nương rẫy từ khi ít tuổi, lên 4, lên 5 đã theo anh chị, bố mẹ lội suối, trèo đèo. Từ 10 đến 15 tuổi trở thành lao động chính trong nhà. Em Hồ Văn Thuận 7 tuổi nhưng đã có thâm niên 2 năm trong việc bắt cá ở suối, trèo cây hái xoài, hái mít đổi cho dân buôn để lấy gạo. Em Hồ Văn Phiên mới hơn 3 tuổi đã biết xếp củi thành từng bó vác về nhà. Trong xã, nhiều gia đình có rẫy nằm sâu trong rừng các em cũng ở lại với bố mẹ, ăn sắn, ăn ngô cả tuần để thu hoạch hết hoa màu. Càng chứng kiến, chúng tôi càng thực sự ngạc nhiên bởi vóc dáng và độ tuổi nhỏ bé của các em đã làm được những việc không thua kém gì người lớn.
Sớm phải lăn lộn với nương rẫy dưới cái nắng hè thiêu đốt nên các em đều có làn da đen xạm, mái tóc vàng bù xù, đôi bộ quần áo nhàu nát, xỉn màu. Có lẽ việc cha mẹ phải chạy ăn từng bữa không có thời gian quan tâm đến cái ăn, cái mặc của con em mình.
Ước mong giản dị
Giữa chốn núi rừng, không có sự trông nom của người lớn, sân chơi của các em nhiều lúc là những hồ suối lớn, những triền dốc đá nhấp nhô... mà các em đã quá quen thuộc, dù vậy việc gặp nguy hiểm cũng là điều đương nhiên. Theo thống kê, từ đầu năm nay, tại địa bàn xã Pa Tầng đã có 5 trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra, mà nạn nhân là những em nhỏ độ tuổi từ 8 đến 12. Cuối năm 2009, em Hồ Thị Phơn (10 tuổi) vào rừng kiếm củi bị rắn độc cắn, do đoạn đường khá xa nên khi đưa về đến Trung tâm y tế xã Pa Tầng thì không thể cứu được. Đau lòng nhất là trường hợp hai anh em Hồ Văn Tòng (10 tuổi) và Hồ Văn Tài (8 tuổi). Em Hồ Văn Tài trượt chân rơi xuống suối, Hồ Văn Tòng liều mình ra cứu nhưng cả hai đều bị dòng nước dữ cuốn trôi.
Anh Lê Đức Thuận, Trạm phó Trạm y tế xã Pa Tầng cho biết: “Mùa hè trẻ em ở đây đều phải đi làm nương, làm rẫy. Cứ sáng sớm đi, chiều tối lại lũ lượt kéo nhau về. Nhà nghèo, bố mẹ không có thời gian chăm sóc con cái nên trẻ thường mắc một số bệnh như suy dinh dưỡng, còi xương, bệnh đường ruột, sốt rét…”.
Khi được hỏi: “Nghỉ hè em thích được làm gì nhất?”, nhiều em ngơ ngác nhìn nhau cười, ánh mắt hồn nhiên. Có lẽ đối với các em những ngày hè cũng như bao ngày bình thường khác vì vẫn phải làm đi làm lại những công việc quá quen thuộc. Chỉ đến khi tôi gặng hỏi: “Hàng ngày em thích chơi trò gì nhất?”, có em mới lí nhí nói: “Em thích xem tivi, em thích có một quả bóng để đá, em thích ngồi xe máy… như ở dưới xuôi”. Đối với trẻ em thành phố, thì điều đó quá bình thường, nhưng với các em ở đây thì đó là một khát khao chỉ để mơ ước.
Những ước mơ giản dị gợi lên cho chúng tôi nhiều nỗi trăn trở. Phải làm gì để chia sẻ với các em, dù là những điều nhỏ nhoi nhất. Chia tay các em, chúng tôi ngược trở lại đường rừng, sau một hồi trò chuyện, các em nhỏ lại vội vàng trở về với công việc mưu sinh hàng ngày với những nguy hiểm mà ở đây mọi người đã xem nó như một điều quá đỗi “bình thường”...
Tiến Nhất – Hồng Tươi