Nguy cơ vẫn lớn
Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm 8 - 12% từ chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Còn theo thống kê của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, trong khi việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế, gây thất thoát rác thải nhựa ra môi trường. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92% và tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn trung bình toàn quốc đạt khoảng 66%. Trong khi đó, tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, tỷ lệ này thấp hơn so với cả nước khi chỉ đạt 74%. Đặc biệt, phần lớn chất thải trên các đảo nhỏ chưa được thu gom và xử lý.
Hơn nữa, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp cũng dễ gây thất thoát rác nhựa ra môi trường, theo các dòng chảy ra biển. Hiện cả nước có 904 bãi chôn lấp thì chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Với tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon trung bình tại bãi chôn lấp chiếm khoảng từ 6 - 8%, lượng rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường là khá lớn.
Ngoài ra, thất thoát rác thải nhựa ra môi trường biển từ hoạt động khai thác thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản biển cũng không nhỏ. Theo nghiên cứu của Cục Biển và Hải đảo, ước tính rác nhựa phát sinh từ loại hình nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 2.875 tấn, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138,75 tấn (chiếm 4,83%); với nuôi cá lồng, mỗi năm ước tính phát sinh 2.588 tấn rác nhựa, trong đó thất thoát ra biển khoảng 134,86 tấn (chiếm 5,21%). Còn đối với hoạt động khai thác thủy sản, ước tính tổng lượng rác thải nhựa phát sinh của cả nước vào khoảng hơn 64.000 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng hơn 3.800 tấn/năm.
Mới đây, trước tình trạng ô nhiễm biển do rác thải nhựa từ các phao xốp, ngư cụ tại các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh Quảng Ninh đã ra quân quyết liệt thực hiện chủ trương tháo dỡ, di dời đối với các điểm nuôi ngoài vùng quy hoạch nhằm lập lại trật tự trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Các bè nuôi của người dân ở các địa phương như thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn và thành phố Cẩm Phả, phần nhiều đều sử dụng phao xốp gây ô nhiễm môi trường biển. Sau đợt ra quân, nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép.
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ một cơ sở nuôi hầu trên đảo Ngọc Vừng, thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chức năng, gia đình bà đã tháo dỡ các lồng nuôi trông thủy sản ngoài quy hoạch. Bên cạnh đó, nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, bản thân bà và chồng khi đi biển đánh bắt hải sản luôn có ý thức không vứt rác thải xuống biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Các ngư cụ, túi nilon, chậu nhựa trên thuyền nếu thải bỏ do hỏng hóc luôn được gia đình bà gom vào một góc, chở về bờ để vứt rác đúng nơi quy định.
Theo nghiên cứu của tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế về đánh giá số lượng và khối lượng rác thải trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam, tính trung bình trên 100m chiều dài bãi biển có số lượng rác thải là 7.374 mảnh và 94,58 kg. Rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác (chiếm 92,2% về số lượng và 64,8% về khối lượng); trong đó, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải.
Vấn đề toàn cầu
Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững. Vấn đề rác thải nhựa đại dương, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững, là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Theo nghiên cứu của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), do vị trí địa lý đặc trưng của nước ta (có đường bờ biển dài với 2.360 dòng sông, 114 cửa sông và 13 lưu vực sông). Việc quản lý rác thải nhựa phát sinh từ đất liền không hiệu quả sẽ khiến chất thải nhựa dễ dàng thất thoát ra môi trường và theo sông ra biển. Ngoài ra, việc gia tăng nhanh chóng dân số, đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế biển đã và đang gây áp lực đối với việc phát sinh và quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, Việt Nam đã nỗ lực cùng với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới xây dựng, thông qua và tổ chức thực hiện các thỏa thuận khu vực và toàn cầu có liên quan bảo vệ môi trường biển do rác thải nhựa.
Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước MARPOL 73/78, Công ước BASEL, Chương trình Nghị sự 21, Chương trình Nghị sự 2030... Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã ban hành Tuyên bố và Khung hành động chống lại rác thải biển, tham gia các tổ chức ở khu vực như COBSEA, PEMSEA, APEC để bảo vệ môi trường biển ở khu vực Biển Đông.
Theo bà Phạm Thị Gấm, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, vấn đề rác thải nhựa phần nhiều nằm trong thoả thuận quốc tế không bắt buộc về mặt pháp lý. Các thỏa thuận quốc tế còn chưa thể hiện đầy đủ, chứa đựng các nội dung khác nhau hoặc có sự trùng lặp. Trên cơ sở các thỏa thuận, mỗi quốc gia có thể có những định hướng phù hợp với điều kiện của mình để hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ môi trường biển và đại dương khỏi rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa.
Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và phân công các cơ quan chủ trì, đầu mối quốc gia, cơ quan phối hợp để tổ chức thực hiện; đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, công cụ và các biện pháp triển khai, thực hiện các thỏa thuận quốc tế này. Về cơ bản, các quy định trong nước đã nội luật hóa phù hợp với quy định trong các thỏa thuận quốc tế. Nhiều quy định chung chung, chưa cụ thể. Một điểm quan trọng là nhiều quy định trong nước còn chưa được triển khai hiệu quả, do đó một số mục tiêu quản lý trong văn kiện quốc tế chưa đạt được, thực tế là môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do vấn đề rác thải nhựa.
Theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu chung là "ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và mục tiêu cụ thể đã làm rõ ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ngay sau đó, các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết và đạt được những kết quả nhất định.
Có thể thấy, rác thải nhựa đang được xem là vấn đề cấp bách cần giải quyết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ hiệu quả, thực chất môi trường sống, chống rác thải nhựa và rác thải nhựa trên biển, đại dương vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.