Ứng phó với lũ lớn ở ĐBSCL và lũ ống, lũ quét tại miền núi phía Bắc

Do tình hình lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp, đồng thời đợt mưa to trên diện rộng tại Bắc Bộ sẽ kéo dài, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 29/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 45 của Ban Chỉ đạo Trung ương ngày 27/8/2018, sẵn sàng ứng phó với lũ lớn khu vực này.

Chú thích ảnh
Mưa lớn gây lũ ống khiến nhiều căn nhà ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) bị đất đá vùi lấp. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Nhất là các tỉnh An Giang và Kiên Giang phối hợp vận hành đập Trà Sư- Tha La theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ vùng tứ giác Long Xuyên.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh: Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mặt khác tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 433/TWPCTT-VP ngày 27/8/2018 về việc ứng phó với mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 28/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,96m, dưới báo động báo động 2 là 0,04m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,52m, trên báo động 2 là 0,02m.

Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu 4,5m, Châu Đốc 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2-báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Đến ngày 27/9-5/10, mực nước sẽ lên trên báo động 3 là 0,1-0,3m (Tân Châu 4,6-4,8m, Châu Đốc 4,1-4,3m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Từ ngày 29/8 đến đêm 31/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ nên ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt). Riêng các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt).

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 2.

Về công tác ứng phó với lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và đợt mưa trên diện rộng tại Bắc Bộ và các tỉnh Bắc miền Trung: Ngày 28/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng- Phó Trưởng ban Thường trực Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn tiếp tục đi kiểm tra công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đang theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, diễn biến lũ Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Hiện các tỉnh Kiên Giang, An Giang đã thống nhất kế hoạch mở đập Trà Sư – Tha La (dự kiến vào 9h00 ngày 31/8) để vận hành kiểm soát lũ và đã có thông báo về việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư và Tha La. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa có văn bản, công điện chỉ đạo săn sàng ứng phó với mưa lũ.

Theo Báo cáo nhanh số 129 ngày 28/8 của Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên, mưa lớn ngày 28/8 trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, đã làm 69 nhà bị ngập, hư hại (2 nhà bị cuốn trôi, 2 nhà phải di dời), 11 tuyến đường liên xã, huyện bị sạt lở (3 tuyến đường gây ách tắc), 130 ha lúa, 32ha nuôi thủy sản bị thiệt hại, 43 con gia súc, 50 con gia cầm bị cuốn trôi. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên và các huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá thiệt hại, huy động các lực lượng di dời tài sản, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, tác động của lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích chưa thu hoạch 311.666 ha (thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang); hiện huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 1.200 ha lúa đang củng cố đê bao, trong thời gian tới nếu lũ diễn ra như dự báo lên đến báo động 3 thì diện tích này sẽ bị thiệt hại. Khoảng 34.600 ha (Long An: 18.200, An Giang: 13.000, Đồng Tháp: 3.400) có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt báo động 2.

Riêng tỉnh An Giang hiện có 1.350 ha vùng ngoài đê bao phía Bắc kênh Vĩnh Tế (huyện Tri Tôn) bị ảnh hưởng do lũ, đã thiệt hại 630 ha lúa Thu Đông, nếu lũ diễn ra như dự báo các diện tích còn lại sẽ bị thiệt hại.

Văn Hào (TTXVN)
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 28/8, khu vực các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đang có mưa vừa đến mưa to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN